Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nói gì về việc 3 cán bộ Hải quan thoát án tù? (Ảnh: IT)
Ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết: “Trong cả 2 vụ án này chính là do chúng tôi điều tra và kiến nghị cơ quan Cảnh sát điều tra tìm cho ra được sự móc nối của cán bộ ngành Hải quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện đã có quyết định không khởi tố nên chúng tôi sẽ thành lập Hội đồng xử lý, khi nào có kết quả chúng tôi sẽ thông báo rộng rãi cho cơ quan truyền thông và dư luận được biết”, ông Cẩn nói.
Cũng liên quan tới cán bộ Hải quan trong vụ 'buôn lậu gỗ từ 6 năm nay đã 2 lần xử sơ thẩm và... chưa kết thúc, các cá nhân có liên quan đã có phản ánh ra tới nghị trường Quốc hội, cán bộ hải quan thì vẫn bị đình chỉ công tác, ông Cẩn cho biết: Theo quy định của pháp luật, cán bộ, công chức khi bị khởi tố, bắt tạm giam đều phải bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra. Chỉ khi nào có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra, nếu không vi phạm pháp luật thì ngành hải quan mới xét tiếp tới công việc.
Nói về vấn đề cán bộ của ngành hải quan, ông Cẩn cũng cho biết trong suốt 6 năm trở lại đây ngành hải quan không được tăng thêm một biên chế nào.“Trong khi cửa khẩu mở rộng hơn, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh nên nhờ hiện đại hóa “Hải quan một cửa” và thủ tục kê khai hải quan trực tuyến nên mới có cán bộ bù từ chỗ thừa sang chỗ thiếu. Theo quy định, hiện ngành hải quan vẫn đang phải thực hiện “ra 2 vào 1”, tức là cứ có 2 người nghỉ chế độ thì mới có thêm một người được vào và phải đảm bảo giảm biên chế mỗi năm đạt 1,5%”, ông Cẩn cho biết.
Trước đó, thông tin một số cơ quan truyền thông cho biết, nhờ quy định của Bộ luật hình sự mới ra đời mà hai cán bộ hải quan TPHCM làm sai nguyên tắc, cố ý làm trái quy định của nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng bị cơ quan công an đề nghị truy tố, lại nhẹ tội, thậm chí thoát hẳn tội.
Cụ thể liên quan đến Vụ án Thái Huy và đồng phạm buôn lậu lốp ô tô qua sử dụng về tiêu thụ trong nội địa Việt Nam (hành vi và hàng hóa cấm, ngoại trừ tạm nhập tái xuất nước thứ 3), Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46), Bộ Công an đã đề nghị truy tố hai cán bộ hải quan TP.HCM vì tội "Buôn lậu" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại các Điều 153, 285 Bộ Luật hình sự năm 1999.
Căn cứ vào kết quả điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra có đủ cơ sở xác định Nguyễn Anh Kiệt, công chức hải quan Chi cục Hải quan cửa khẩu Sài Gòn khu vực 1 và Trương Ngươn Hậu, công chức hải quan Chi cục hải quan cửa khẩu Sài Gòn khu vực 4 là những công chức được phân công kiểm hoá, kiểm tra, tiến hành làm thủ tục thông quan theo hình thức tạm nhập, tái xuất các lô hàng lốp xe ô tô đã qua sử dụng của các Công ty TNHH Dịch vụ Việt; Công ty TNHH Lê Gia.
Hai công chức hải quan có trách nhiệm lập và theo dõi hồi báo nhưng đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình (không fax biên bản giao nhận hàng hóa đến cửa khẩu tái xuất và không thực hiện việc kiểm tra hồi báo) theo quy định của Bộ Tài chính.
Điều này dẫn đến không phát hiện được các doanh nghiệp không tái xuất mà tiêu thụ lốp xe ô tô đã qua sử dụng (hàng cấm nhập khẩu) trong nội địa.
Hành vi của Nguyễn Anh Kiệt và Trương Ngươn Hậu đủ dấu hiệu cấu thành tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại các Điều 285 Bộ Luật hình sự năm 1999 nên Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với hai đối tượng trên.
Tuy nhiên, do có sự thay đổi chính sách hình sự nên hành vi phạm tội của của Nguyễn Anh Kiệt và Trương Ngươn Hậu thuộc trường hợp được áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội.
Ngày 11.1.2018, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành 02 quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đối với Nguyễn Anh Kiệt và Trương Ngươn Hậu.
Tuy nhiên, theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, hành vi sai phạm của Nguyễn Anh Kiệt và Trương Ngươn Hậu không bị xử lý về hình sự nhưng cần phải xử lý nghiêm bằng các biện pháp hành chính theo Luật cán bộ, công chức và quy định của ngành Hải quan.
Cơ quan này yêu cầu Cục Hải quan TP. HCM xử lý hành vi vi phạm của Nguyễn Anh Kiệt và Trương Ngươn Hậu theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, gửi kết quả về cho Viện kiểm sát, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Toà án nhân dân TP.HCM để biết.
Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng thông báo về trường hợp của cán bộ hải quan tại Cục Hải quan Đà Nẵng Tống Đức Tiến tiếp tay cho buôn lậu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với việc nhập về và bán trong nội địa hơn 7.900 lốp ô tô qua sử dụng, số tiền 5,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng theo Luật mới, đối tượng Tống Đức Tiến được xử lý theo hướng có lợi, thoát án hình sự. Viện Kiểm sát cũng yêu cầu Cục Hải quan Đà Nẵng xử lý trách nhiệm về ngành đối với cán bộ hải quan nói trên.