Những thông tin trên được ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đưa ra tại Diễn đàn CEO 2018 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 13/4.
Số liệu Tổng cục Thống kê cho biết năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động. Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm.
Như vậy, năng suất lao động Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể, tốc độ tăng thuộc top cao trong khu vực.
Tính chung giai đoạn 10 năm 2007-2016, năng suất theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011) của Việt Nam tăng trung bình hàng năm 4,2%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore, Malaysia, Thái Lan...
Tuy nhiên, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Tính theo PPP 2011, năng suất lao lao động của Việt Nam năm 2016 chỉ đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% Singapore; 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia.
Chênh lệch về năng suất lao động là điều ông Lâm đặc biệt lưu ý. Bởi khoảng cách của Việt Nam với các nước vẫn đang gia tăng. Điều này cho thấy những thách thức nền kinh tế phải đối diện trong việc bắt kịp các nước về năng suất.
6 nguyên nhân chính khiến năng suất lao động Việt Nam thấp
Theo ông Lâm, thứ nhất là quá trình chuyển dịch cơ cấu còn chậm. Theo đó, các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ "mũi nhọn" như tài chính, tín dụng, du lịch còn chiếm tỷ trọng thấp.
Năm 2016 tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP của Việt Nam là 16,3%, trong khi tỷ lệ này của Thái Lan là 8%; Malaysia là 9%; Philippines là 10%; riêng Singapore , tỷ trọng ngành nông nghiệp rất nhỏ, các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm gần 100% GDP.
Thứ hai, Việt Nam có lượng lao động trong khu vực nông nghiệp còn rất lớn với năng suất thấp. Tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy đã giảm từ 49,5% năm 2010 xuống còn 40,3% năm 2017, nhưng vẫn lớn hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.
Thứ ba là công nghệ, quy trình sản xuất của Việt Nam vẫn còn lạc hậu. Phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới.
Cụ thể, 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nước có thứ hạng thấp về công nghệ, sáng tạo trên bản đồ thế giới.
Thứ tư, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê cho biết chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động còn thấp.
Đến cuối năm 2017, chỉ có 21,5% lao động cả nước đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, trong đó khu vực nông thôn rất thấp, chỉ khoảng 13%.
Bên cạnh đó, cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo còn bất hợp lý, thiếu hụt nhân lực là kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật bậc cao. Kết nối cung cầu trên thị trường lao động còn nhiều bất cập.
Thứ năm, vấn đề nằm ở trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực đến nay vẫn còn nhiều bất cập. Theo đó, năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế, còn một số "điểm nghẽn" về cải cách thể chế và thủ tục hành chính.
Thứ sáu, ông Lâm nhận xét khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng năng suất lao động của nền kinh tế.
Quy mô doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ bé, số DNNVV và siêu nhỏ chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước, phần lớn doanh nghiệp chưa đạt được quy mô tối ưu để có được mức năng suất lao động cao nhất. Số lượng doanh nghiệp lớn còn ít, doanh nghiệp chưa xâm nhập được vào các thị trường, trung tâm công nghệ của thế giới, do đó chưa thực hiện được chức năng cầu nối về công nghệ tri thức của thế giới vào thị trường trong nước.
Ngoài ra, một số yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến NSLĐ của Việt Nam thời gian qua như: Xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, quy mô kinh tế còn nhỏ, quá trình đô thị hóa chậm...
Để giải quyết tình trạng này, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng Chính phủ cần sớm thành lập Uỷ ban Năng suất Quốc gia do một Phó thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch, thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về năng suất lao động có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam, đi học tập kinh nghiệm của Singapore và Hàn Quốc để áp dụng vào Việt Nam.
Chính phủ cũng cần có giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp như chính sách ưu đãi về đất đai, ưu đãi về thuế, tín dụng... đối với các doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công nghệ cao, hiện đại, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu để tăng năng suất. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy nhanh và hiệu quả quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước...