Hôm nay (28/12), Tòa án Nhân dân TP.HCM cuối cùng cũng đã tuyên án vụ Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun kiện Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng 41,2 tỉ đồng.
Theo đó, căn cứ vào kết quả giám định, Hội đồng xét xử (HĐXX) cho rằng đủ cơ sở xác định thiệt hại của Vinasun là có thật, trong đó có nguyên nhân do Grab gây ra. Cũng theo HĐXX, từ 14/2/2014 đến nay, Grab đã thực hiện kinh doanh bằng xe taxi nhưng không chấp hành quy định về điều kiện kinh doanh, do vậy, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường của Vinasun, tuyên Grab phải bồi thường 4,8 tỷ đồng cho Vinasun chứ không phải số tiền 41,2 tỷ đồng Vinasun yêu cầu.
Đồng thời HĐXX cũng cho rằng Grab đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam về kinh doanh vận tải, khi các hoạt động của Grab là kinh doanh vận tải điện tử chứ không đơn thuần là phần mềm kết nối. Qua đó HĐXX kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải phải xem Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi và xây dựng khung pháp lý liên quan.
Tài xế Vinasun tập trung trước tòa án TP.HCM trong phiên xét xử vụ Vinasun và Grab ngày 28/12 - Ảnh: Nguyễn Cường Trước kiến nghị của HĐXX, ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc của BE GROUP, một đơn vị đang cung cấp dịch vụ gọi xe qua ứng dụng "be" hoạt động giống với Grab cho biết, ông ủng hộ phán quyết này. Ông Hải cho biết: "Tôi rất ủng hộ phán quyết này của HĐXX. Mong muốn của "Be" cũng như các doanh nghiệp vận tải khác là tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để mang lại quyền lợi tốt nhất cho người tiêu dùng, cũng như phải tuân thủ đầy đủ điều kiện kinh doanh, quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đóng thuế với nhà nước". Cũng theo ông Hải, "Be" được đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, nghĩa là công ty này đã định danh rất rõ ngay từ đầu, với cam kết minh bạch các chính sách và quá trình hoạt động là tiêu chí hàng đầu. Quan điểm cá nhân của ông Trần Thanh Hải thì đây là dịch vụ vận tải vì bản chất nó đưa khách từ điểm A đến điểm B. Tất cả chuỗi công nghệ khoa học, gọi tắt là 4.0, chỉ giúp tối ưu hoá công việc, giúp ngành vận tải làm tốt hơn, tiết kiệm chi phí, đem lại giá trị tốt hơn cho đồng tiền người tiêu dùng. Ai đó nói rằng gọi loại hình dịch vụ này là công ty vận tải sẽ đi ngược công nghiệp 4.0 là sai hoàn toàn. "Chính chúng tôi là người đi tiên phong đưa công nghệ 4.0 vì chuỗi dịch vụ. Ứng dụng 4.0 nhưng không hề thay đổi bản chất là việc chúng tôi vận chuyển khách từ điểm A đến điểm B", ông Hải nhấn mạnh Ở một diễn biến khác, ngay sau phán quyết của Tòa án, Grab đã gửi đi phản hồi của mình đến các cơ quan truyền thông cho biết, họ sẽ kháng cáo với phán quyết sơ thẩm này của Tòa án Nhân dân TP.HCM. Và hy vọng tòa án cấp cao hơn sẽ nghiên cứu tài liệu và các luận cứ tranh tụng cẩn trọng hơn để đưa ra phán quyết một cách có trách nhiệm, vì lợi ích của người tiêu dùng, vì môi trường đầu tư lành mạnh và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. |
|