Đưa ra mức lợi nhuận từ 24% đến 80% một tháng, Thế Anh đã lừa đảo hơn 600 bị hại để chiếm đoạt tổng số tiền hơn 323 tỷ đồng. Sau một tuần xét xử sơ thẩm vụ án này, chiều 28-11, TAND TP Hà Nội đã kết thúc phiên toà.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, từ tháng 11-2014 đến tháng 12-2016, Thế Anh thành lập Công ty 68 và Công ty 868. Hai công ty này đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó có kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống, du lịch, siêu thị.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh và đồng phạm.
Để có tiền chi tiêu, Thế Anh sử dụng danh nghĩa Công ty 68 mở 10 chi nhánh, văn phòng tại các tỉnh, thành phố và kêu gọi mọi người ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh xây dựng hệ thống: cà phê nấm linh chi đỏ; xây dựng chuỗi cà phê, siêu thị, nhà hàng, vật tư nông nghiệp, du lịch. Thời gian sau, Thế Anh thành lập thêm Công ty 868 và cũng mở 10 chi nhánh, văn phòng ở nhiều tỉnh, thành phố để kinh doanh nhiều lĩnh vực như Công ty 68.Đăng ký là như vậy nhưng thực tế thì cả hai công ty của Thế Anh đều không kinh doanh các dịch vụ như đăng ký.Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Công ty 68 có vốn điều lệ 20 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ có 20 triệu đồng để công ty hoạt động kinh doanh. Thời gian đầu, Công ty 68 kinh doanh café Organo-Gold của Mỹ nhưng không hiệu quả, không đem lại lợi nhuận.
Khi người dân góp vốn, với danh nghĩa Tổng Giám đốc hai công ty, Thế Anh cam kết, khi tham gia, nhà đầu tư sẽ được lấy thẻ uống cà phê Vip, tận hưởng những chuyến du lịch do công ty tổ chức và được hưởng lợi nhuận rất cao, tuỳ theo mức độ góp vốn mà được hưởng lợi nhuận từ 24% đến trên 80% một tháng. Với cam kết như vậy, Thế Anh đưa ra các gói đầu tư từ 12,6 triệu đồng đến 24,6 triệu đồng và 36,6 triệu đồng...
Đối với gói 36,6 triệu đồng, Thế Anh cam kết, tháng thứ nhất người góp vốn sẽ được nhận lợi nhuận 9 triệu đồng, tháng thứ 2 là 12 triệu đồng, tháng thứ 3 là 16 triệu đồng, các tháng sau đó được nhận lợi nhuận là 60%. Sau sáu tháng, người góp vốn được hưởng lợi nhuận (lãi suất) 125 triệu đồng (tương đương 341%).
Cùng với việc đưa ra mức lãi suất rất cao, để khuyến khích nhiều người tham gia, Thế Anh đưa ra chính sách, người nào giới thiệu được khách hàng mới sẽ hưởng hoa hồng. Nếu tham gia gói 36,6 triệu đồng thì được thưởng thêm hoa hồng tháng thứ 6 là 27 triệu đồng, tham gia 10 gói 36,6 triệu đồng thì được thưởng tháng thứ 6 là 150 triệu đồng và được tặng chuyến du lịch Philippines.
Ngoài ra, Thế Anh còn chỉ đạo nhân viên Công ty 68 và Công ty 868 tổ chức các sự kiện rầm rộ, tổ chức các tour du lịch trong và ngoài nước rồi đưa ra các thông tin quảng bá về hoạt động công ty, nhằm lôi kéo nhiều hơn nữa người tham gia.
Để lôi kéo các nhà đầu tư, Thế Anh tự giới thiệu mình là đại diện cho một nhãn hàng cà phê Organo-Gold tại Việt Nam, với thứ bậc trong hệ thống phân phối là Diamond Blue (kim cương xanh), đang mua bán cà phê và được hưởng lãi suất cao.
Nhưng thực tế thì Thế Anh không kinh doanh cà phê mà chỉ mua cà phê mang nhãn hiệu của Mỹ và làm quà cho các nhà đầu tư, dùng cho nhà đầu tư uống miễn phí khi đến chi nhánh, văn phòng thuộc Công ty 68 và Công ty 868.
Công ty 868 giới thiệu kinh doanh siêu thị, thực tế thì công ty này có mở 1 siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng siêu thị vừa hoạt động thì nhiều khách hàng đến đòi nợ nên đã phải đóng cửa. Hàng hóa bị đem trả cho các nhà đầu tư để trừ nợ.
Thế Anh cũng bịa chuyện hai công ty 68 và 868 tham gia khai thác mỏ cao lanh trữ lượng lớn, có thể khai thác đem lại lợi nhuận. Nhưng quá trình điều tra đã xác định, gia đình Thế Anh chỉ có mảnh đất trồng rừng, được Nhà nước giao tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) nghi có cao lanh, nhưng chưa có cơ quan Nhà nước nào cấp phép khai thác.
Trong các hợp đồng hợp tác kinh doanh ký với khách hàng, Thế Anh đều nêu hợp tác đầu tư để kinh doanh nhà hàng, khách sạn, tour du lịch..., nhưng thực tế thì Công ty 68 và Công ty 868 không có nhà hàng, khách sạn nào mà chỉ thuê khách sạn để làm văn phòng, nơi nghỉ miễn phí cho các nhà đầu tư tại Đà Lạt và Thái Lan.
Kết quả điều tra xác định, với thủ đoạn trên, từ tháng 7-2015 đến tháng 2-2016, Thế Anh và đồng phạm đã thu của các nhà đầu tư tổng số tiền hơn 323 tỷ đồng. Khi vụ án xảy ra, Thế Anh mới trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư hơn 203 tỷ, còn lại hơn 120 tỷ đồng Thế Anh chiếm đoạt và chỉ đạo nhân viên sử dụng hết vào nhiều mục đích khác nhau.
Tại phiên xử, bị cáo Thế Anh và đồng phạm thừa nhận hành vi phạm tội như trên. HĐXX xử phạt bị cáo Thế Anh tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo đồng phạm tuỳ theo mức độ phạm tội mà bị xử phạt từ 24 tháng tù đến 16 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo Thế Anh phải bồi thường số tiền hơn 120 tỷ đồng chiếm đoạt của bị hại nhưng chưa khắc phục.