Trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Trần Bắc Hà (quê Bình Định) thành lập công ty "sân sau" với tên gọi Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà, tại Hà Tĩnh (viết tắt là Công ty Bình Hà).
Mọi hoạt động điều hành Công ty Bình Hà đều do ông Trần Bắc Hà và con ruột là Trần Duy Tùng (SN 1985) điều hành, dù cha con ông không hề đứng tên cổ đông trong công ty hoặc là người đại diện theo pháp luật. Và dù có quyền lực cao nhất trong công ty nhưng cha con ông Trần Bắc Hà cũng không thể kiểm soát hết được mọi hoạt động nên đã để Tổng Giám đốc công ty này chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, ông Nguyễn Gia Thiều (SN 1965, Chủ tịch HĐQT Công ty Bình Hà) có biết và quan hệ với Trần Duy Tùng từ tháng 6 đến cuối năm 2014. Khi đó, Tùng nhờ ông Thiều đứng tên đại diện 70% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú do Tùng làm Chủ tịch HĐQT. Đầu quý II/2015, Tùng và Thái Thành Vinh (SN 1985, trú tại phường 13, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) có liên lạc và giao cho ông Thiều giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty Bình Hà, tại Hà Tĩnh. Tùng chỉ nhờ ông Thiều giữ chứ vụ này trong một năm để hoàn thiện các thủ tục đầu tư trong giai đoạn đầu và thời điểm triển khai dự án.
Khi dự án đi vào hoạt động ổn định thì Tùng sẽ thay ông Thiều bằng người khác. HĐQT Công ty Bình Hà có 4 thành viên do ông Thiều làm Chủ tịch HĐQT và 3 cổ đông gồm: Đinh Văn Dũng (SN 1965, trú tại phường Diên Hồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai), Trần Anh Quang (SN 1982, trú tại phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) và Thái Thành Vinh. Do hai cổ đông Quang và Vinh chỉ đứng tên hộ Tùng nên thời gian đầu hai cổ đông này không có mặt và không tham gia bất cứ hoạt động nào của công ty.
Khi Công ty Bình Hà bắt đầu hoạt động, Đinh Văn Dũng được cử giữ chức vụ Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của công ty. Nhưng trước khi quyết định vấn đề gì trong công ty Dũng và Tùng đều bàn bạc và thống nhất. Trong trường hợp cần lấy ý kiến cao hơn thì Dũng chủ động gọi điện cho ông Trần Bắc Hà. Sau đó, Dũng hợp thức hoá bằng biên bản họp HĐQT, rồi điện thoại gửi biên bản cho ông Thiều và các cổ đông ký để hoàn thiện thủ tục, chứ thực chất HĐQT Công ty Bình Hà không tổ chức họp và quyết định các nội dung có liên quan.
Bị can Đinh Văn Dũng.
Tháng 10/2016, nhận thấy Dũng thâu tóm điều hành mọi hoạt động của Công ty Bình Hà có dấu hiệu không minh bạch, dẫn đến việc một số công ty, nhà thầu ký hợp đồng thi công nhận tiền giải ngân của BIDV không quyết toán được khối lượng nên Tùng mới chính thức tham gia vào quyết định mọi hoạt động của Công ty Bình Hà. Khi đó, Tùng "phế bỏ" chức vụ Tổng Giám đốc đối với Dũng và đưa Quang "ngồi" vào vị trí Tổng Giám đốc.
Ngoài ra, Tùng cũng làm thủ tục để Tùng thay thế ông Thiều giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty Bình Hà, nhưng do vướng mắc về thủ tục pháp lý nên không được, do đó ông Thiều tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty Bình Hà cho đến nay. Khi giữ chức vụ Tổng Giám đốc, Quang không đồng ý ký quyết toán các nội dung liên quan đến nhiều hợp đồng xây dựng cơ bản giữa Công ty Bình Hà và đối tác (khi Dũng làm Tổng Giám đốc) nên Tùng buộc phải đưa Dũng trở lại vị trí Tổng Giám đốc chỉ để hoàn tất quyết toán các hợp đồng dang dở.
Sau khi Dũng bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố, bắt tạm giam trong một vụ án khác, tháng 7/2018, Tùng làm lại thủ tục đưa Quang lên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà và là người đại diện theo pháp luật cho công ty đến nay. Trước đó, tháng 3/2003, Quang bị TAND tỉnh Bình Định xử phạt Quang 18 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng.
Về cơ duyên đến với "ghế" Tổng Giám đốc công ty "sân sau" của ông Trần Bắc Hà, Quang khai, anh ta có quan hệ họ hàng nên gọi ông Trần Bắc Hà là ông, gọi Trần Duy Tùng bằng chú. Trước thời điểm tháng 4/2015, Quang làm lái xe riêng cho Tùng nên Tùng mượn chứng minh nhân dân và nhờ Quang làm cổ đông (đứng tên giúp Tùng góp 25% vốn) để thành lập Công ty Bình Hà, thực hiện Dự án nuôi bò sữa tại tỉnh Hà Tĩnh. Thời điểm ban đầu khi Công ty Bình Hà mới thành lập và đi vào hoạt động, Quang chỉ đứng tên cổ đông giúp Tùng chứ thực tế không tham gia và cũng không biết gì về hoạt động của công ty. Tháng 4/2016, Quang mới chính thức biết về Công ty Bình Hà khi được Tùng gọi ra Hà Tĩnh để theo dõi và quản lý việc bán bò giúp Tùng.
Đối tượng truy nã Trần Duy Tùng
Trong thời gian giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà, Quang đã ký xác nhận chữ ký trên các chứng từ và sử dụng tiền do các nhà thầu chuyển lại. Ngoài việc đứng tên cổ đông giúp Tùng tại Công ty Bình Hà, Quang còn mở tài khoản cá nhân tại BIDV và Sacombank để nhận và sử dụng tiền từ các nhà thầu là Công ty Vĩnh Phát, Công ty Hantechco và các lò mổ mua bò của Công ty Bình Hà, sau đó chuyển lại và thanh toán tiền bò theo chỉ đạo của Tùng.
Trong đó, 4 nhà thầu chuyển trực tiếp vào tài khoản cá nhân của Quang số tiền gần 29 tỷ đồng; Công ty Đông Á chuyển gần 11 tỷ 500 triệu đồng (số tiền này Quang chiếm đoạt sử dụng cá nhân, không góp vốn vào Công ty Bình Hà theo chỉ đạo của Tùng); Công ty Vitad chuyển hơn 14 tỷ 200 triệu đồng (số tiền này, Quang sử dụng để góp vốn vào Công ty Bình Hà với tư cách cá nhân 14 tỷ đồng, hơn 251 triệu đồng còn lại sử dụng vào mục đích cá nhân)…
Về việc chiếm dụng tiền bán bò, Quang khai thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Tùng và Quang đã chiếm đoạt và sử dụng 146,5 tỷ đồng từ thu tiền bán bò của Công ty Bình Hà với các đối tác, rồi sử dụng một phần số tiền này để góp vốn vào Công ty Bình Hà với tư cách cá nhân.
Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, sau ông Trần Bắc Hà thì Trần Duy Tùng là "chủ" thứ hai của Công ty Bình Hà dù không đứng tên sở hữu cổ phần. Tùng giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu trong việc chỉ đạo 3 cổ đông của công ty là: Đinh Văn Dũng, Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh làm theo chỉ đạo của mình, gây thiệt hại cho ngân hàng số tiền gần 150 tỷ đồng.
Giữ vai trò đồng phạm với Tùng là: Dũng, Quang và Vinh. Do Tùng và Vinh đang bỏ trốn nên Cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã và tạm đình chỉ điều tra, khi nào bắt được sẽ phục hồi điều tra và xử lý sau. Hành vi của Tùng, Dũng, Quang và Vinh đã phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017). Sau khi bị khởi tố, bị can Trần Anh Quang đang bị tạm giam tại Trại tạm giam T16 Bộ Công an.