Phát biểu tại lễ ký thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa tập đoàn PAN và C.P. Việt Nam, ông Montri Suwanposri, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc CP Việt Nam chia sẻ, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Với lợi thế là một trong những người tiên phong và am hiểu thị trường, CP Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới và áp dụng các công nghiệp hiện đại nhất vào sản xuất, chăn nuôi, hợp tác với các đối tác trong nước, như tập đoàn PAN, để tạo ra các sản phẩm chất lượng hơn nữa; không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn phục vụ cả thị trường quốc tế.
Tập đoàn Charoen Pokphand (C.P) Thái Lan đầu tư vào Việt Nam từ năm 1988, sau khi Việt Nam mở cửa năm 1986 theo chủ trương Đổi mới, với hình thức mở văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 1993, thành lập Công ty TNHH Chăn Nuôi C.P. Việt Nam và xây nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Khu Công Nghiệp Biên Hòa 2, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đồng thời là trụ sở chính của Công ty cho đến ngày nay.
Hiện nay, C.P. Việt Nam có doanh số năm 2020 hơn 80.000 tỷ đồng, với hơn 101 chi nhánh trên toàn quốc và hơn 27.000 công nhân viên. C.P. Việt Nam hiện có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, 2 nhà máy chế biến thủy sản tại Tp. Huế và tỉnh Bến Tre và 5 nhà máy chế biến thịt tại Hà Nội, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh và Bình Phước. Công ty hoạt động trong lĩnh vực Nông - Công nghiệp và chế biến thực phẩm khép kín, chủ yếu trong lĩnh vực gia súc, gia cầm và thủy sản. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn và công nghệ hiện đại vào thực tiễn sản xuất tại Việt Nam.
Ngày hôm nay, CP Việt Nam chính thức ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược với tập đoàn PAN, hai bên thống nhất hợp tác phát triển chuỗi giá trị con tôm, từ con giống đến bàn ăn, nhằm nâng tầm ngành tôm Việt Nam. Trước đó, CP Việt Nam đã đầu tư 24,9% cổ phần vào CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC), một công ty con thuộc PAN Group. Hai công ty cũng là đối tác kinh doanh chiến lược và có mối quan hệ tốt đẹp trong nhiều năm.
"Trong suốt 20 năm qua, ngành tôm luôn đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đóng góp khoảng 40- 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5- 4 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rất ổn định, trung bình 5%/năm trong 5 năm vừa qua. Chúng tôi tin rằng, ngành tôm Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, và đây vẫn sẽ là một trong những ngành mũi nhọn của tập đoàn C.P trong tương lai. Tôi tin tưởng và hy vọng rằng, với việc hợp tác cùng tập đoàn PAN, chúng ta sẽ cùng phát triển Fimex (FMC) lớn mạnh và cạnh tranh hơn nữa ở các thị trường xuất khẩu.
Với kinh nghiệm về con giống và thức ăn chăn nuôi của mình, CP tin rằng việc kết hợp với FMC sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng cho cả 2 doanh nghiệp. Qua đó chung tay góp sức hoàn thành mục tiêu đạt sản lượng nuôi tôm 1.15 triệu tấn từ nay đến năm 2025 của chính phủ. Mục tiêu của chúng tôi khi đầu tư là mong muốn cùng chung tay phát triển FMC trở thành doanh nghiệp đầu ngành và cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu tôm lớn trên thế giới", ông Montri Suwanposri phát biểu.
Theo Tổng giám đốc CP Việt Nam, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến ngành tôm nói riêng và nông nghiệp nói chung. Việc phát triển hơn nữa ngành này không chỉ đảm bảo vấn đề an ninh lương thực quốc gia, mà còn góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống của người dân.
"Với tầm nhìn và sứ mệnh của mình, C.P.Việt Nam đã và đang cùng ngành nông nghiệp Việt Nam mở cánh cửa ra thị trường nước ngoài, phát triển đa dạng sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, chú trọng thúc đẩy chế biến, xuất khẩu nhiều hơn, cùng tham gia các hoạt động xã hội để là minh chứng rực rỡ nhất cho thành quả đáng tự hào của "Tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Thai Lan và Việt Nam".
Sau buổi lễ ký kết thỏa thuận chiến lược này, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa được làm việc, hợp tác cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chung tay, góp sức cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp Việt Nam", ông Montri Suwanposri kết luận.