Bất động sản khu công nghiệp Việt Nam có tiềm năng. Ảnh: TCTC
Bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, Tổng Giám đốc Công ty Cushman & Wakefield (C&W) Việt Nam đánh giá tiềm năng phát triển bất động sản khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam rất lớn. Những yếu tố tác động tích cực gồm tiềm năng phát triển của nền kinh tế được dự báo tăng trưởng 8% trong năm nay; Năng lực tăng trưởng của Việt Nam có thể bằng Hàn Quốc, Nhật hoặc Australia bởi vị thế như một trung tâm sản xuất.
Trong đó, miền Bắc là cánh tay nối dài của công xưởng sản xuất thế giới còn miền Nam có vị thế của trung tâm sản xuất trung chuyển toàn cầu. Ngoài ra, dự báo năng lực cảng của cả nước từ năm 2030 sẽ tạo gần 38 triệu teu, bằng với Singapore.
Mặc dù miền Nam sẽ là trung tâm của sản xuất logictics trong khu vực và toàn cầu, nhưng sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải. Vì vậy, bà Trang hy vọng trong tương lai khi sân bay Long Thành hoàn thiện xong phần vận hành sẽ tạo ra hiệu quả để thu hút nhà đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG cho rằng qua tiếp xúc, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn gia tăng sự quan tâm với kinh tế Việt Nam. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhóm nhà đầu tư này.
Tuy nhiên, ông Ái cho rằng cần cẩn trọng khi xem đây là "cơ hội vàng", bởi nhiều khả năng năm 2023, kinh tế Mỹ và châu Âu sẽ đi vào suy thoái, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực đầu tư và trong đó có dịch chuyển đầu tư giữa các nước khác.
Hiện nay, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nước Bắc Á và Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Trong giai đoạn này, ông Ái nhận định nên tập trung chất lượng đầu tư, thân thiện môi trường, đầu tư công nghệ cao. Đại diện KPMG cũng bày tỏ sự lạc quan về triển vọng thu hút FDI vào các KCN, KKT của Việt Nam.