Trong 3 tháng đầu năm nay, GDP Việt Nam đạt mức tăng trưởng là 5,03%. Vốn đăng ký đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào thị trưởng Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD. Vốn FDI giải ngân lên đến 4,42 tỷ USD - mức tăng cao nhất trong nửa thập kỷ qua và tăng với 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, bất động sản hiện là lĩnh vực nhận được nguồn vốn FDI lớn thứ 2 liên tiếp trong 10 năm qua. Theo ngành, vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 68,7% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,71 tỷ USD, chiếm 23,5% các ngành còn lại đạt 569,6 triệu USD, chiếm 7,8%.
Cũng trong quý I, số dự án cấp mới tăng 37,6%, số lượt dự án điều chỉnh tăng vốn tăng 41,6%, số lượt dự án góp vốn, mua phần tương đương quý I/2021. Đây là dấu hiệu các nhà đầu tư vẫn xem Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Mặc dù cơ hội đón vốn FDI là rất lớn nhưng cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư FDI đang ngày càng quyết liệt nhất là trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi nền kinh tế. Hiện, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ, trong đó xu hướng Trung Quốc +1.
Các diễn giả trao đổi tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp 2022. Ảnh: Lê Toàn
Nói về về sự dịch chuyển của dòng vốn tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp 2022, do Báo Đầu tư tổ chức sáng 24/5, ông Pao Jirakulpattana, Phó Chủ tịch Warburg Pincus - Singapore nhận xét, dòng vốn đang quay lại Trung Quốc bởi đây là một thị trường rất lớn. Tuy nhiên, đặt trong một bối cảnh lớn hơn, đặc biệt khi trên thế giới có những căng thẳng chính trị, kinh tế thì khu vực ASEAN đang là khu vực tốt để thu hút các nhà đầu tư mới muốn khám phá. Trong đó, Việt Nam là một điểm đến lý tưởng.
Còn về cơ hội đón dòng vốn mới và thu hút đầu tư, vị Phó Chủ tịch này cho biết, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt và đang làm rất tốt để thu hút vốn FDI. Có thể thấy rõ việc, Việt Nam xác định rõ những ngành ưu tiên phát triển tại từng khu vực. Trong dài hạn, cần tiếp tục phát triển kinh tế trọng điểm, duy trì định hướng tương lai để thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, Việt Nam thường có kế hoạch phát triển theo chu kỳ 5, 10, 15 năm… nên mọi thứ đều rõ ràng. Do đó, các nhà đầu tư có thể căn cứ vào kế hoạch phát triển này để lập kế hoạch đầu tư. Nói chung, thị trường Việt Nam rất tích cực, song, thị trường vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần có thời gian tháo gỡ.
Ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C. Ảnh: SRF
Trong khi đó, góp ý về làn sóng dịch chuyển Trung Quốc + 1, ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C nhận định, Việt Nam không nhất thiết cứ phải cạnh tranh với Trung Quốc bởi đây là quốc gia rộng lớn, có nền công nghiệp phát triển hàng đầu. Do đó, Việt Nam cần phải cạnh tranh trực tiếp với họ mà chúng ta cần tạo sự khác biệt.
"Sẽ có những nhà đầu tư sẽ chọn quốc gia này mà không chọn quốc gia kia và ngược lại. Chúng tôi đã làm việc với Trung Quốc rất nhiều nên Việt Nam chỉ cần phần nhỏ trong đó thôi là đã đủ cho thị trường Việt Nam. Vì vậy chúng ta cũng không cần quan tâm quá đến câu chuyện Trung Quốc +1 hay Trung Quốc +11 mà chúng ta cần tạo ra sự khác biệt", ông Bruno Jaspaert nói.
Thực tế cho thấy, Việt Nam là quốc gia tuyệt vời và ở đây chúng ta nên tập trung tính hiệu quả của nền kinh tế khắc phục những điểm nghẽn như: Cơ sở hạ tầng, chi phí logistics - Việt Nam là quốc gia có chi phí đắt nhất trong khu vực châu Á
Hiện tại, khẩu vị các nhà đầu tư rất cao và đều có những lựa chọn riêng. Dù nhiều nhà đầu tư đến và đi khỏi Trung Quốc nhưng phải thừa nhận rằng quốc gia này vẫn là công xưởng lớn của thế giới. Nhưng theo ông Bruno, khi các nhà đầu tư rời Trung Quốc họ phải tìm quốc gia khác để đặt nhà máy. Trong danh sách các quốc gia trong khu vực, Việt Nam có vị trí tốt và nhiều lợi thế để trở thành người thắng cuộc trong việc đón nhận dòng vốn của xu hướng Trung Quốc + 1.
Về mặt logistics và chuỗi cung ứng, tương lai sẽ có đường cao tốc kết nối Trung Quốc với Việt Nam. Điều này sẽ giải quyết các vấn đề lớn hiện nay là logistics, chuỗi cũng ứng. Ngoài ra, để thu hút dòng vốn thì Việt Nam cần tập trung vào cơ chế, chính sách. Đơn cử như việc, thu hút nhà đầu tư thì cũng cần tạo cho họ môi trường sống, phát triển dịch vụ thương mại...
Mặt khác nhìn từ thực tế của DEEP C - hệ thống các khu công nghiệp và cảng biển do nhà đầu tư Bỉ phát triển và vận hành tại Hải Phòng và Quảng Ninh, ông Bruno Jaspaert cho biết, doanh nghiệp vào thị trường Việt Nam từ năm 1997 với dự án phát triển khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng 1 (trước đây là khu công nghiệp Đình Vũ).
Đến ngay và thậm chí ngay trong giai đoạn dịch bệnh, DEEP C đã liên tục mở rộng ra 3 khu công nghiệp ở Hải Phòng và 2 khu công nghiệp ở Quảng Ninh, với diện tích 3.400 ha.
"Tôi không quá quan tâm về việc bán hay kinh doanh dù trách nhiệm của mình là liên quan đến con số. Việc quan tâm của tôi là tương lai, tức ngày mai chuyện gì sẽ xảy ra?. Danh mục dự án của DEEP C phải liên tục được phát triển. Trước COVID-19 chúng tôi có 450 ha chưa ký kết nhưng sau dịch con số này còn tăng cao hơn. Có thể thấy rằng, mục tiêu của chúng tôi là mở rộng và mở rộng nhanh trong thời gian tới", ông Bruno Jaspaert nói và cho biết tăng trưởng DEEP C trước dịch là gấp đôi, trong 2 năm chống chịu với dịch bệnh cũng tương tự và trong năm nay cũng sẽ như vậy.