Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, Tổng giám đốc Việt Thắng Jeans, đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện ngành dệt may và công ty ông đang điều hành tại tọa đàm Giải bài toán nhân sự trong và hậu dịch tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 24/4.
Khó khăn bủa vây dệt may
Ông Phạm Văn Việt cho biết cho biết ngành dệt may sử dụng lượng lao động lớn, do đó khi dịch bệnh xảy ra ngành bị ảnh hưởng khá năng nề. Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong ngành rất bất ngờ với những tác động tiêu cực của nó đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị, nhân sự.
Khi dịch bệnh diễn ra ở Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sang lấy nguyên liệu ở nơi khác. Tuy nhiên, sau đó thì các điểm dịch bùng phát ở châu Âu, Mỹ khiến đầu ra bị ảnh hưởng nặng nề. Đầu tháng 3 vừa qua, châu Âu có thông báo ngưng nhập hàng trong 1 tháng, Mỹ cũng ngưng hàng trong 3 tuần.
Khi các khách hàng ở thị trường nhập khẩu chủ lực tạm ngưng nhận hàng thì đồng nghĩa 60-70% đơn hàng của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Khi đó, doanh nghiệp trông chờ vào các thị trường còn lại là Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở Nhật vẫn đang còn nhiều căng thẳng. Hàn Quốc tình hình dịch bệnh đang kiểm soát tốt hơn nhưng nhìn chung, sức mua đã giảm rất nhiều.
Với vai trò là Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, ông thấy nhiều doanh nghiệp chỉ có nguyên vật liệu sản xuất đến hết tháng 3. Với vai trò là chủ doanh nghiệp, ông Việt cho biết Việt Thắng Jeans với 3 xí nghiệp và 4.000 nhân công thì có thể sản xuất đến hết tháng 5 nhưng sản phẩm là để tồn kho, chưa tiêu thụ được.
Xoay xở để tồn tại và giữ chân lao động
Ông Việt chia sẻ, hiện nay Việt Thắng Jeans vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, tuy nhiên, doanh nghiệp áp dụng cho một ca nghỉ, một ca làm, luân phiên nhau.
Với tình hình chung tại TPHCM, để giữ chân người lao động trong khó khăn này, khoảng 50% doanh nghiệp dệt may trong hội chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ lao động. Mục đích chính là chỉ để giải quyết tình trạng người lao động đang không có việc làm.
Ông Việt nhận định rằng, trên thực tế, các đơn hàng khẩu trang chỉ để tạo công việc cho công nhân, là giải pháp tình thế trong bối cảnh khó khăn chung.
Với thực trạng dây chuyền sản xuất của nhiều doanh nghiệp chỉ chạy trong 10 ngày mỗi tháng và mỗi ngày chỉ làm 6-7 giờ, thu nhập của người lao động chỉ còn khoảng 60% so với bình thường, dù doanh nghiệp đã nỗ lực hết sức.
Chia sẻ về những khó khăn trong thời gian tới, ông Việt cho hay, các thị trường đầu ra của dệt may cho đến hiện tại chưa kiểm soát được dịch. Ông dự đoán rằng, Mỹ khoảng tháng 7 mới kiểm soát được dịch và đến tháng 9 mới có khả năng khống chế được. Còn thị trường EU, ông đoán sớm cũng phải là tháng 9 và muộn có thể đến cuối năm mới khống chế được dịch bệnh. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang nỗ lực kiểm soát dịch.
Ở Việt Nam, ông Việt cho rằng, chính phủ đã kiểm soát dịch tốt và đến tháng 7, sản xuất sẽ trở lại bình thường. Hiện 50% doanh nghiệp dệt may tại TPHCM đang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế để vượt qua đại dịch và giữ chân người lao động. Các doanh nghiệp này sang tháng 8 có thể bắt đầu sản xuất các sản phẩm chính của họ. Còn lại 50% doanh nghiệp dệt may ở thành phố đang hoạt động cầm chừng.