Sáng nay ngày 23/2/2022, gần 93 triệu cổ phiếu của Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel (Viettel Construction, CTR) chính thức được giao dịch trên sàn HoSE. Tổng giá trị niêm yết vào mức 929 tỷ đồng đồng, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 85.400 đồng/cp.
Chốt phiên giao dịch, thị giá CTR lập đỉnh mới 91.400 đồng/cp. Ông Phạm Đình Trường – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTR cho biết: "Việc chính thức niêm yết cổ phiếu CTR trên HoSE là một dấu mốc, một khẳng định về mục tiêu quản trị tốt và hướng tới phát triển bền vững, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số".
Được biết, CTR có tiền thân là Xí nghiệp khảo sát thiết kế và Xí nghiệp Xây lắp Công trình, được thành lập vào tháng 10/1995. Tại thời điểm cổ phần hóa vào năm 2010, vốn điều lệ của Công ty là 238 tỷ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, hiện nay vốn điều lệ của CTR đã đạt hơn 929,2 tỷ đồng.
Là công ty con trong hệ sinh thái của Tập đoàn Viettel, CTR có nguồn lực tốt nhất về nhiều mặt như hệ thống mạng lưới, khách hàng lớn, tiềm lực tài chính, hệ thống công nghệ thông tin… Hiện, CTR đã và đang mở rộng định hướng kinh doanh với 4 trụ cột, bao gồm:
Thứ nhất, lĩnh vực vận hành khai thác: CTR hiện là đơn vị có quy mô lớn nhất Việt Nam khi trực tiếp vận hành hạ tầng viễn thông của Tập đoàn mẹ – Viettel (cả ở trong nước và nước ngoài). Công ty hiện đang triển khai vận hành khai thác mạng truy nhập của Viettel cho 62 tỉnh/thành phố trên cả nước với số lượng vận hành hơn 44.700 trạm BTS, hơn 6 triệu đôi dây thuê bao và tại 26 tỉnh thị trường Cambodia, Myanmar.
Bên cạnh đó, CTR cũng đẩy mạnh hoạt động vận hành mạng cáp quang cho các đơn vị bên ngoài Tập đoàn như cáp quang của Bộ Công An, 27.000 km cáp CMC, và hàng trăm trạm cho Towerco NTD tại Myanmar. Tổng cáp truyền dẫn hiện đạt 270.000km.
Thứ hai, lĩnh vực Hạ tầng cho thuê (TowerCo): CTR đặt mục tiêu chuyển dịch từ đơn vị xây lắp và vận hành khai thác viễn thông thành nhà đầu tư và cho thuê hạ tầng viễn thông số một Việt Nam vào năm 2025.
Hiện tại, cả 3 nhà mạng là Viettel, VNPT và MobiFone đều có mạng lưới nhà trạm rộng khắp trên toàn quốc nhưng hầu như chưa cho thuê/chia sẻ hoặc không được thiết kế để phục vụ mục tiêu chia sẻ hạ tầng. Với xu thế các nhà mạng tiến tới phải chia sẻ hạ tầng để tối ưu chi phí, tăng hiệu quả đầu tư và cộng với kinh nghiệm vận hành hạ tầng viễn thông nhiều năm trên 63 tỉnh/thành phố, CTR có cơ hội lớn để mở rộng trong lĩnh vực này.
Thứ ba, lĩnh vực xây lắp: CTR đang dẫn đầu về khối lượng công trình, hạ tầng Viễn thông được xây dựng và lắp đặt kể từ thời điểm ngành Viễn thông mới phát triển tại Việt Nam. Công ty lắp đặt hệ thông thiết bị 2G, 3G, 4G cho Viettel trong nước cũng như tại các thị trường nước ngoài ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ…
Cuối cùng, lĩnh vực Giải pháp tích hợp: Đây là mảng kinh doanh mới của Công ty tập trung vào 2 mảng năng lượng và cơ điện. Các sản phẩm của Công ty là: Giải pháp năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo; Giải pháp cơ điện (điện tử, điện dân dụng …); Giải pháp ICT (wifi, camera …); Giải pháp thông minh (Smartcity,…).
CTR cũng xác định việc cung cấp giải pháp xây lắp và tích hợp điện mặt trời áp mái là mũi nhọn chiến lược trong giai đoạn 2021 – 2025. Với mảng cơ điện, Viettel Construction hướng tới cung cấp dịch vụ cho các dự án tham gia xây dựng của các chủ đầu tư như FLC, VinGroup, SunGroup, Flamingo, khách hàng cá nhân có nhu cầu…
Về kinh doanh, doanh thu lợi nhuận CTR ghi nhận tăng trưởng đều đặn hàng năm. Riêng năm 2021, CTR ghi nhận doanh thu 7.454 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 376 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 17% và 37% so với năm trước, đây cũng là con số lợi nhuận lớn nhất Công ty đạt được từ khi thành lập tới nay.
Trong đó, các mảng kinh doanh của Viettel Construction đều được cải thiện biên lãi gộp, trong đó đáng chú ý nhất là sự tăng trưởng của mảng hạ tầng cho thuê (TowerCo) với biên lãi gộp lên tới trên 50% đã giúp cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh.
Phát biểu tại buổi niêm yết, đại diện CTR nhấn mạnh mục tiêu kinh doanh Tổng Công ty đang hướng đến thực hiện mốc doanh số tỷ USD vào năm 2025.