Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành Công Thương, ông Nguyễn Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex, nhận định năm 2019 sẽ thách thức với ngành dệt may hơn năm 2018.
Hiệp định CPTPP đi vào thực thi và EVFTA có thể được thông qua vào giữa năm nhưng bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động sẽ tác động không nhỏ tới ngành dệt may năm 2019. Năm nay, tăng trưởng kinh tế các nước được dự báo giảm, chính sách tiền tệ diễn biến phức tạp, lãi suất tăng.
Chiến tranh thương mại chưa rõ hồi kết trong khi Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường lớn của Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 4,5 tỷ USD. Đây cũng là thị trường nhập khẩu nguyên liệu lớn.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Vinatex cũng bày tỏ lo ngại các đối thủ của dệt may Việt Nam như Ấn Độ, Bangladesh sẽ cải thiện các vấn đề, hỗ trợ xuất khẩu sau năm suy giảm 2018.
Trước các áp lực từ bối cảnh thế giới, ông Trường cho biết, ngành dệt may vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD năm 2019, kịch bản thấp cũng xuất khẩu trên 38 tỷ USD. Năm 2018, con số này là hơn 36 tỷ USD.
Ông Trường cho biết, tận dụng CPTPP, ngành dệt may phấn đấu tăng xuất khẩu 1 tỷ USD tại hai thị trường tiềm năng là Australia và Canada, mỗi nước khoảng 500 triệu USD. Tiềm năng vẫn còn khi hiện nay, xuất khẩu sang các nước CPTPP mới chỉ đạt 5,3 tỷ USD, trong đó thị trường truyền thống Nhật Bản đã chiếm 4 tỷ USD.
Ngành dệt may. Ảnh minh họa: Internet.
Ngành dệt may xác định tận dụng EVFTA, tính đến cả kịch bản chưa thể hoặc chậm thông qua trong năm 2019.
Thực tế, ngành còn nhận được trợ lực từ những thắng lợi năm 2018, theo lời chủ tịch Vinatex. Năm 2018, ngành dệt may Việt Nam tăng trưởng 16,6%, là tốc độ tăng cao nhất kể từ năm 2010. Kim ngạch xuất khẩu tăng trên 5 tỷ USD so với năm 2017. Giai đoạn trước, mỗi năm giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng 2,5 - 3 tỷ USD so với cùng kỳ.
Từ vị trí thứ 4, lần đầu tiên, Việt Nam vươn lên xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới ngang Ấn Độ và chỉ sau Trung Quốc. Theo ông Trường, nguyên nhân đến từ việc các nhà mua hàng chuyển từ các thị trường giá rẻ Nam Á sang Việt Nam sau 5 năm. Trước đó, các nhà sản xuất chọn thị trường Tây Á khi ngành dệt may Việt Nam chủ trương sản xuất tinh gọn, mặt hàng khó, chất lượng cao, bảo vệ môi trường.
Riêng với sơ sợi, ông Trường chia sẻ, giá các đơn hàng đều giảm, lợi nhuận cả thấp hơn thời điểm 9 tháng năm 2018.
Với Vinatex, ông Trường chia sẻ, lợi nhuận tập đoàn tăng 35% năm 2018. Năm 2019, Vinatex xác định tăng trưởng hiệu quả kinh doanh gấp đôi tăng trưởng giá trị xuất khẩu.