Trí tuệ nhân tạo (Artifical Intelligence) được xem là công nghệ nền tảng quan trọng nhất dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực đời sống ở thời đại 4.0. Đây là công nghệ mô phỏng các quá trình suy nghĩ và học tập của con người cho máy móc, đặc biệt là hệ thống máy tính.
Tổng giám đốc VinBrain Trương Quốc Hùng
Ông Hùng chia sẻ, AI có năm tiền đề cơ bản: Dữ liệu lớn (Massive Data), Gắn nhãn mục tiêu (Objective tagging), Miền duy nhất (Single domain), Công suất tính toán (Computation power) và Các chuyên gia kỹ sư khoa học và máy tính (Scientist and ML engineer experts).
Ông cho biết mỗi AI đều cần phải có một lượng dữ liệu lớn bởi vì nếu dữ liệu không đủ lớn sẽ không tạo ra được chất lượng. Đó cũng là lý do AI cần gắn nhãn mục tiêu (objective tagging), để khi có vấn đề xảy ra thì AI có thể phát hiện kịp thời.
Sau đó cần tập trung vào một miền đó để giải quyết, hay còn được gọi là Single domain. Tổng giám đốc VinBrain giải thích: "Giống như việc bạn đi khám sức khoẻ và đi chụp X-quang, những vấn đề liên quan đến sức khoẻ của bạn sẽ chỉ được nhìn thấy qua bức chụp X-quang đó".
Ông Hùng nói thêm về công suất tính toán của AI: "Những người đi đầu như Amazon Web Services (AWS) hay Microsoft đều phải sử dung điện toán đám mây".
Tuy nhiên, Tổng giám đốc VinBrain khẳng định rằng yếu tố cuối cùng và cũng là yếu tố quan trọng nhất đó là con người. Cụ thể hơn, ông đề cập đến đó là nhóm các chuyên gia kỹ sư khoa học và máy tính. Những yếu tố này sẽ giúp tạo ra một sản phẩm thành công.
Khi bàn về các cơ hội của Việt Nam với ứng dụng AI trong ngành công nghiệp, ông Hùng cho rằng Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng. Ông nói: "Một may mắn đối với Việt Nam đó là internet và mạng di động rất phổ biến. Hiện nay, Việt Nam có khoảng từ 63 triệu đến 64 triệu người có khả năng truy cập internet. Dự báo cho thấy đến năm 2023, con số này sẽ tăng lên đến 76 triệu người. Thêm vào đó, tỷ lệ này sẽ tăng nhanh hơn sau thời gian đại dịch, khi mà số lượng người lướt web ngày càng cao".
Một vấn đề mà ông Hùng cũng đề cập đến đó là trí tuệ nhân tạo AI sẽ có thể thay thế nhiều ngành nghề trong tương lai. Cụ thể, ông chỉ ra rằng những công việc có tính lặp lại.
"Những công việc lặp đi lặp lại như rửa chén, telesale, nhân viên bảo vệ hay tài xế xe tải sẽ có khả năng cao bị thay thế trong 10 năm tới", ông cho biết.
Ông Hùng khẳng định về sự khác nhau giữa những cuộc cách mạng công nghiệp trong quá khứ và trí tuệ nhân tạo (AI) đó là những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây diễn ra để "nâng cao", cách mạng AI lại nhằm mục đích "thay thế".
Nhóm công việc thứ hai mà Tổng giám đốc VinBrain cho rằng sẽ có khả năng bị thay thế trong vòng 15 năm đó là những công việc như quản lý dự án và quản trị viên nói chung. Mặc dù những công việc này vẫn đòi hỏi một phần về tính sáng tạo, nhưng đó cũng là những ngành nghề có khả năng cao sẽ bị thay thế.
Ông Hùng nói: "Nhóm ngành cuối cùng là những công việc sẽ không thể nào bị thay thế. Chẳng hạn như CEO, nghệ sĩ, nhà khoa học, bác sĩ hay luật sư. Đây là nhóm ngành an toàn bởi vì dù AI có thể học sâu (deep learning – một kỹ thuật cho phép máy có thể đào tạo chính mình) và học tăng cường (reinforcement learning – một lĩnh vực con của học máy) thì nó lại không thể phát minh. Đây là nhóm ngành yêu cầu tính sang tạo cao".
Ngoài những nhóm ngành kể trên, ông Hùng còn kể thêm một số nhóm ngành cần sự đồng cảm. Ông giải thích: "Ngoài việc quan tâm đến số liệu và độ chính xác, chúng ta còn cần sự đồng cảm. Vì vậy, tất cả các công việc đòi hỏi tính sáng tạo, lòng trắc ẩn và sự đồng cảm đều là những công việc có giá trị cao và không thể thay thế bởi AI. Danh mục nào bao gồm các nghề nghiệp như bảo mẫu, hướng dẫn viên du lịch, chuyên viên tư vấn sắc đẹp,...".
Cuối cùng, ông Hùng kết luận, những công việc thiên về sự đồng cảm và tính sáng tạo là những mảng cực kỳ quan trọng đối với con người và sẽ không thể bị thay thế bởi bất kỳ trí tuệ nhân tạo (AI) nào.