"Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tạo ra cơ hội chưa bao giờ lớn như bây giờ. Cơ hội này đủ lớn để tất cả các doanh nghiệp cùng làm".
Quan điểm đầy lạc quan và cũng khá "lạ" này của Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Phạm Đức Long giữa bối cảnh thị trường viễn thông di động ngày càng bão hòa, sản lượng dịch vụ truyền thống giảm đáng kể bởi tác động của các dịch vụ công nghệ mới và "thời kỳ vàng" phát triển của các doanh nghiệp viễn thông được đánh giá là không còn nữa.
Chia sẻ với báo giới trong một ngày cuối năm 2018, ông Long nói:
- Năm qua, VNPT đạt lợi nhuận hơn 6.400 tỷ, vượt 9,4% kế hoạch, tăng trưởng 25% so với 2017. Như vậy, đây là năm thứ 5 liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao. Tổng 5 năm mức tăng trưởng bình quân đạt 24,7%.
Về doanh thu thì các mục tiêu doanh thu đều hoàn thành, trừ mảng doanh thu dịch vụ thẻ thanh toán trực tuyến (icoin charging). Nếu loại trừ doanh thu này ra thì VNPT hoàn thành 101% kế hoạch. Còn nếu tính cả thì VNPT chỉ hoàn thành hơn 98% kế hoạch.
Ngoài ra, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của VNPT cũng đạt khá, trước thuế là 10,2%. Tuy nhiên, chúng tôi đưa ra một con số nữa để khi đánh giá sẽ có cái nhìn khách quan hơn khi so sánh với các doanh nghiệp khác hoạt động trong cùng lĩnh vực. Nếu như loại trừ ảnh hưởng của Vinasat (bởi Vinasat thực sự phục vụ cho mục tiêu, mục đích khác chứ không đơn thuần là kinh doanh) thì đạt khoảng 12,2%.
Mảng dịch vụ băng rộng cố định vẫn là mảng phát triển tốt nhất của Tập đoàn trong năm 2018. Thuê bao tăng 27% và doanh thu tăng 17%, bao gồm cả sự sụt giảm của Megavnn và sự tăng trưởng của Fibervnn. Trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn thì mảng băng rộng cố định ngày càng chiếm tỷ trọng cao, là nền tảng rất tốt khi VNPT phát triển lên công nghệ 5G.
Khó nhất là kinh doanh dịch vụ di động
Được biết, một số doanh nghiệp viễn thông còn giảm hoặc điều chỉnh giảm một số chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2018 do những khó khăn của thị trường viễn thông. Lẽ nào VNPT lại không nằm trong xu hướng này, thưa ông?
Chúng tôi chỉ không đạt doanh thu về thẻ cào, còn các phần dịch vụ cốt lõi thì vẫn đạt.
Về lợi nhuận, bản chất doanh thu từ dịch vụ thẻ thanh toán trực tuyến lớn song lợi nhuận thì rất thấp. Chính vì vậy, ảnh hưởng tới lợi nhuận chung của tập đoàn không nhiều. Lợi nhuận chúng tôi đạt ra hai mục tiêu: tăng trưởng 15%, phấn đấu 20%. Chúng tôi đã vượt cả mục tiêu phấn đấu, đạt 25%.
Vậy có điều gì làm ông chưa hài lòng hay VNPT chưa đạt được trong năm qua không?
Có chứ. Đó là gặp khá nhiều khó khăn trong việc kinh doanh dịch vụ di động.
Trong năm 2018, theo tôi, môi trường quản lý nhà nước có nhiều thay đổi và thay đổi nhanh. Sự thay đổi là phù hợp với quy luật song việc thay đổi nhanh này tạo ra nhiều khó khăn cho các nhà mạng trong việc thích ứng kịp thời.
Ví dụ như chính sách quản lý về giá cước data hiện cũng không được quản lý chặt chẽ, dẫn tới sự cạnh tranh quá quyết liệt giữa các nhà mạng, ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường. Đầu tiên là ảnh hưởng đến phát triển bền vững của thị trường, nhưng cuối cùng người chịu ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là khách hàng. Bởi về lâu dài, nếu doanh nghiệp không tái tạo lại được nguồn lực đầu tư phát triển tiếp thì sẽ dẫn đến giảm sút chất lượng dịch vụ cho khách hàng.
Mặc dù VNPT đã chuẩn bị rất kỹ và đã thực sự rất nỗ lực trong mảng kinh doanh nhưng chúng tôi chưa chủ động để thay đổi kịp thời với sự biến động của môi trường quản lý.
Cụ thể chính sách quản lý giá cước data hiện nay đang tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp? Và việc quản lý như thế nào để đảm bảo sự phát triển bền vững cho thị trường?
Việc có chính sách quản lý giá cước data là cần thiết. Cả thế giới đều chống bán phá giá. Người ta không quản lý giá trần, chỉ quản lý giá sàn. Muốn như vậy phải xác định được giá thành dịch vụ.
Trước đây VNPT đã kiến nghị thuê các nhà kiểm toán độc lập để thực hiện, chứ để các doanh nghiệp tự khai thì rất khó xác định vì thực tế các nhà mạng hiện đang cung cấp cả thoại, sms. Còn khi một doanh nghiệp khởi xướng giảm giá là các doanh nghiệp khác phải đi theo, tổng thể thị trường sẽ khó bền vững bởi doanh nghiệp khó có nguồn lực đầu tư.
Hiện CPI của ngành (viễn thông) giảm đều theo từng năm. Nếu CPI giảm mà doanh thu của ngành tăng thì còn có thể phát triển chứ nếu doanh thu giảm thì các nhà mạng đang rơi vào vòng suy thoái.
Vừa qua Bộ trưởng (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã yêu cầu các đơn vị điều chỉnh để hoạt động hiệu quả. Đây mới chỉ là sự tự ý thức và nó sẽ lỏng lẻo hơn nhiều so với việc có chế tài cụ thể.
"Cơ hội chưa bao giờ lớn như lúc này"
Ở trên ông nói cơ hội với các doanh nghiệp viễn thông chưa bao giờ lớn như bây giờ. Điều này có là mâu thuẫn không khi thị trường viễn thông và kinh doanh dịch vụ viễn thông di động ngày càng khó khăn và thậm chí đi xuống?
Tất nhiên nếu chỉ dựa vào các dịch vụ viễn thông truyền thống thì các doanh nghiệp chỉ đi xuống và tụt hậu mà thôi.
Từ cuối năm 2017, VNPT chính thức triển khai chiến lược phát triển mới với mục tiêu chuyển hướng từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang thành nhà cung cấp dịch vụ số.
Tiềm năng trong lĩnh vực kinh tế số, dịch vụ số là quá lớn và không bị hạn chế, đủ cho mọi người tham gia. Vấn đề quan trọng nhất là có sản phẩm tốt hay không, được thị trường chấp nhận hay không. Tôi thấy cơ hội với các doanh nghiệp viễn thông công nghệ thông tin bây giờ là vô cùng lớn. Chưa bao giờ lớn như bây giờ. Sự phát triển về công nghệ cho phép chúng ta làm điều đó. Cơ hội này đủ lớn để tất cả các doanh nghiệp cùng làm.
Vậy VNPT đã, đang chuẩn bị cho chiến lược trở thành nhà cung cấp dịch vụ số này như thế nào?
Năm 2018, VNPT đã hình thành thêm một trụ cột về công nghệ thông tin với việc thành lập công ty VNPT-IT, tập trung nguồn lực công nghệ thông tin của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn và nhiệm vụ tập trung phát triển để chuyển đổi số.
Trước đây chúng tôi cũng đã có bộ phận về công nghệ thông tin, nhưng ngay khi khởi động việc tái cấu trúc chúng tôi chưa dự tính được mảng công nghệ thông tin sẽ phát triển nhanh đến như thế. Vào thời điểm đó, mảng IT vẫn nằm phần lớn ở công ty VNPT – VinaPhone (VNPT data và software). Với sự phát triển quá nhanh của mảng này, vì thế chúng tôi đã trình Chính phủ để xin thành lập VNPT-IT.
Bên cạnh đó, năm 2018 VNPT cũng chính thức công bố về chiến lược VNPT 4.0. Thời điểm bắt tay vào thực hiện tái cơ cấu trong nội bộ tập đoàn cũng đã hình thành các chiến lược và khi mà chúng tôi thuê tư vấn xây dựng chiến lược thì nhận thấy rằng các chiến lược đó với chiến lược mới do tư vấn xây dựng có sự giao thoa với nhau, gắn kết với nhau.
Với VNPT 4.0, các mục tiêu, nhiệm vụ được định vị rất rõ ràng, thiên về định lượng, cụ thể rõ các nội hàm cần triển khai. Như vậy tất cả các trụ cột mà trước đây VNPT đưa ra thì cũng phù hợp với chiến lược tầm nhìn dài hơn.
Chiến lược VNPT 4.0 không phải là chiến lược để nâng tầm VNPT lên trong nước mà mục tiêu của chúng tôi là đưa VNPT lên ngang tầm với khu vực. Tầm nhìn mang tính dài hạn hơn.
Với thay đổi chiến lược trên – trở thành nhà cung cấp dịch vụ số - vậy trong tương lai, mảng dịch vụ số (hay dịch vụ công nghệ thông tin) của VNPT sẽ chiếm bao nhiêu % trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn?
Nếu nói về tốc độ tăng trưởng thì năm 2018 mảng dịch vụ số là điểm sáng nhất. Tuy nhiên, mảng dịch vụ này quy mô còn nhỏ và hiện VNPT mới thu tiền của khách hàng đâu đó khoảng 30%, phần còn lại hiện vẫn đang thực hiện công ích, hỗ trợ cho các địa phương, các ngành, mang lại lợi ích cho xã hội và tạo nguồn thu tương lai của VNPT.
Mục tiêu của VNPT là đến năm 2025, tỷ trọng doanh thu từ dịch vụ số chiếm khoảng 35% trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn. Các dịch vụ trên nền IoT, chính quyền số, dịch vụ số tới người dùng cá nhân (khi 4G phát triển mạnh, 5g khai trương) sẽ là những nhân tố chính đóng góp vào.
Chúng tôi cũng đang đặt ra mục tiêu chiến lược sẽ phải trở thành Trung tâm giao dịch số của châu Á vào năm 2030.