Ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc VPBank đã trả lời một số câu hỏi của nhà đầu tư về sự việc gần đây liên quan Công ty mỹ phẩm DeAura bị một số người tiêu dùng tố cố tình đẩy họ vào cảnh nợ nần khi ký tên vào hợp đồng tín dụng với FE Credit – công ty tài chính thuộc VPBank.
Mỹ phẩm DeAura là đối tác
Ông Vinh cho biết, DeAura là một trong số hàng trăm đối tác thương mại, tài chính của ngân hàng, bên cạnh các công ty như Thế giới di động, FPT Shop, Vinhomes, Điện máy xanh…vv Việc hợp tác này là bình thường, và DeAura là đối tác lớn có triển vọng. Trong 2-3 năm vừa qua họ đã trở thành đối tác cung cấp dịch vụ lớn trên thị trường với 30 – 40 nghìn khách hàng. Chúng tôi đánh giá họ thành công về thương mại. Dịch vụ của DeAura tốt, cho nên không có lý do gì để phải dừng hợp tác với họ. Đại bộ phận khách hàng của DeAura là khách hàng tốt. Việc ký kết hợp tác với các đối tác không có gì sai.
"Vụ việc xảy ra có thể do bộ phận dịch vụ khách hàng không tốt. Như báo chí nói, chúng tôi cho vay cả người nghèo, chúng tôi không cho vay đối tượng này. Sự phản ánh của cơ quan truyền thông làm cho ngân hàng lo ngại. Người đồng nát, người bán xôi cũng đều là phụ nữ, họ đều có quyền làm đẹp, nhưng vấn đề của chúng ta là có tiếp cận đúng khách hàng không, có cho vay đúng đối tượng hay không. Chúng tôi đã và đang có những điều chỉnh để kiểm soát chặt chẽ hơn" - ông Vinh nói.
Tổng giám đốc VPBank cũng cho biết, vấn đề không phải do ngân hàng mà do bản thân người bán hàng, họ muốn bán được nhiều hàng nên làm chưa đúng quy trình. DeAura có gần 40.000 khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ, sản phẩm. Ngân hàng làm ăn với họ là có lợi vì cung cấp dịch vụ tài chính cho một trong những đơn vị có sản phẩm dịch vụ tốt, họ trả nợ tốt, trừ một số trường hợp như vừa phản ánh.
"Tôi khẳng định rủi ro của nhóm này là rất thấp. Nếu khách hàng không trả được nợ thì DeAura phải trả nợ thay. Vì thế đây là dịch vụ rất tốt, vì vay tín chấp mà lại có đơn vị đứng ra đảm bảo. Tôi cho rằng đó là sự hiểu lầm về bản chất dịch vụ, giữa người cung cấp dịch vụ với khách hàng" - ông Vinh nói.
Hiện nay VPBank đang phối hợp với DeAura và các đối tác khác để chấn chỉnh hoạt động, tránh vấn đề phát sinh, kể cả đòi nợ (dù đó là quyền của ngân hàng).
Một nhà đầu tư đặt câu hỏi, việc cho vay ở DeAura theo phản ánh như là lừa người tiêu dùng. Vậy thì đây là trách nhiệm của ngân hàng hay của nhà cung cấp DeAura?
Ông Vinh nói đó không thể là vấn đề của ngân hàng, mà của nhà cung cấp dịch vụ. Ngân hàng quan hệ đàng hoàng với họ, sau khi quyết định vay có hiệu lực thì ngân hàng cung cấp tài chính cho họ, không thể suy diễn ngân hàng liên kết để đưa khách hàng vào tròng.
Một nhà đầu tư khác đặt câu hỏi với lãnh đạo Fe Credit rằng có hay không chuyện khách hàng thổi phồng thu nhập để vay vốn của công ty tài chính? Ông Kalidas – TGĐ của FE Credit cho biết, quy trình phê duyệt sản phẩm vay là chặt chẽ, không có chuyện thổi phồng thu nhập để được phê duyệt khoản vay, khách hàng điền vào và chịu trách nhiệm.
Công ty mỹ phẩm DeAura và VPBank có mối quan hệ gì?
Trong thời gian gần đây, có nhiều đơn khiếu nại gửi đến Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) về cách chào mời khách vay ngân hàng để mua mỹ phẩm của nhân viên công ty DeAura. Theo đó, sau khi được mời đến "trải nghiệm dịch vụ chăm sóc da miễn phí", nhiều khách hàng đang tố Công ty TNHH DeAura đẩy mình vào cảnh nợ nần khi phải ký tên vào hợp đồng tín dụng FE Credit - công ty tài chính thuộc ngân hàng VPBank. Khá nhiều ý kiến cho rằng giữa DeAura và VPBank có nhiều mối liên hệ "thân thiết".
Đề cập đến quan hệ giữa DeAura và VPBank, ông Vinh không phủ nhận có thể có các cổ đông liên quan đến người nào đó ở VPBank, nhưng nhấn mạnh là không làm gì sai luật. DeAura là đối tác tốt, đem lại lợi ích cho ngân hàng, mối quan hệ trong sáng.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH DeAura được thành lập vào tháng 12/2014, có vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Đến tháng 3/2018, công ty này đổi tên thành Công ty TNHH Venesa.
Tại thời điểm đầu tháng 8/2017, công ty này có 3 thành viên góp vốn là Dan Catalin Fratu (Israel) nắm 30% vốn điều lệ cùng 2 thành viên góp trong nước là bà Nguyễn Quỳnh Anh (2,5%) và bà Hoàng Anh Minh (67,5%). Bà Hoàng Anh Minh chính là vợ ông Ngô Chí Dũng, chủ tịch HĐQT VPBank.
Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 4/8/2017, bà Hoàng Anh Minh đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại DeAura sang cho một cá nhân khác là ông Trần Ngọc Trung. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Trần Ngọc Trung là con trai của bà Ngô Thanh Hằng, chị gái ông Ngô Chí Dũng.
Tổng giám đốc hiện nay của DeAura, bà Nguyễn Quỳnh Anh từng giữ chức vụ Trưởng ban kiểm soát của VPbank từ năm 2010 đến trước khi ngân hàng này lên niêm yết cách đây gần 1 năm.
Quý 1/2018: Lợi nhuận của FE Credit giảm, nợ xấu tăng. Vì sao?
Ông Kalidas – Tổng giám đốc của FE Credit cho biết, tốc độ tăng trưởng về hợp đồng mới đạt hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận của Fe Credit trong quý 1 năm nay đạt 927 tỷ đồng trước thuế và sau thuế 735 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với quý 4/2017 thì lợi nhuận giảm 26%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 5,9% trong khi cùng kỳ là 5,6% và quý 4/2017 là 4,8%.
Dư nợ tín dụng của Fe Credit trong quý 1 năm nay đạt hơn 46.600 tỷ đồng trong khi cùng kỳ là chưa đến 35 nghìn tỷ và cuối quý 4 năm ngoái là 44.800 tỷ.
Lý giải thêm về kết quả hoạt động của công ty, lãnh đạo FE Credit cho biết, Tết năm nay kéo dài, nên hoạt động thu hồi nợ gặp khó, và điều này cũng mang tính mùa vụ. Khách hàng thường không muốn trả nợ trong các dịp Tết. Nếu nói riêng về dự phòng thì đang bám sát lộ trình được lập cho năm 2018.
Tốc độ tăng trưởng không chỉ một thời điểm mà trong cả một quãng thời gian dài. Công ty hy vọng sẽ tăng trưởng tiếp tục trong thời gian tới. Nợ xấu và dự phòng tăng trưởng tương ứng với tốc độ tăng trưởng, là logic đơn giản về quản trị và phân tích.
Nhưng từ tháng 4, tháng 5 trở đi thì các ngành hàng nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng sẽ tăng trưởng, bao gồm cả tính bền vững sẽ bù đắp cho những tháng trước đó vì yếu tố mùa vụ.
Dự báo cho các quý còn lại, Fe Credit dự kiến NIM sẽ ổn định nhưng CIR sẽ cải thiện, qua đó giúp lợi nhuận lên cao hơn. Dư nợ dự kiến năm 2018 là hơn 61,5 nghìn tỷ - tăng trưởng 37%.
Bổ sung thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Vinh Tổng giám đốc VPBank cũng khẳng định việc thu hồi nợ của FE Credit đã ổn định từ tháng 4, tháng 5, còn trước đó do yếu tố mùa vụ và liên quan nhân sự thu hồi nợ. Việc đảm bảo duy trì nợ xấu, giảm nợ xấu đã làm được. Kế hoạch của Fe Credit trong 6 tháng và cả năm sẽ không có gì thay đổi.