Đại dịch còn lâu mới kết thúc
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại một hội nghị ở Berlin rằng: "Đại dịch COVID-19 sẽ chấm dứt khi thế giới chọn kết thúc nó. Điều đó nằm trong tay chúng ta. Chúng ta có tất cả các công cụ chúng ta cần, nhưng thế giới đã không sử dụng tốt những công cụ đó" .
Ông Tedros nhận định, đại dịch còn lâu mới chấm dứt khi số ca tử vong vì COVID-19 vẫn tăng khoảng 50.000 người mỗi tuần.
Trang thống kê thời gian thực Worldometers thông tin, hiện thế giới đã ghi nhận trên 244,4 ca nhiễm COVID-19 và hơn 4,96 trường hợp tử vong, tăng lần lượt 313.434 và 4.487, trong khi hơn 221,4 triệu người đã bình phục.
Châu Âu hiện được xem là điểm nóng COVID-19, khi nhiều nước trong khu vực này ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh gần đây.
Theo thống kê của Reuters hôm 24/10, số ca nhiễm ở khu vực Đông Âu đã vượt 20 triệu người trong bối cảnh khu vực này phải vật lộn với đợt bùng dịch tồi tệ và nỗ lực tiêm chủng đang chậm lại.
Phân tích của Reuters cũng chỉ ra rằng, dù chỉ chiếm 4% dân số thế giới, Đông Âu ghi nhận khoảng 20% tổng ca nhiễm toàn cầu. Ba trong số 5 nước ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất ở Đông Âu là Nga, Ukraine và Romania.
Dữ liệu tính tới ngày 22/10 chỉ ra, số người mắc mới trong khu vực này tăng đều đặn với trung bình hơn 83.7000 ca nhiễm/ngày, mức cao nhất tính từ tháng 11/2020.
Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho biết, việc người dân tụ tập trong nhà nhiều hơn, sau khi chính phủ các nước dỡ bỏ biện pháp hạn chế, đang khiến ca nhiễm số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng ở nhiều quốc gia châu Âu.
Tại châu Á, tình hình dịch dường như được cải thiện khi số ca nhiễm mới giảm, trong khi tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng.
Người đứng đầu WHO nhấn mạnh, chính phủ các nước và những nhà sản xuất dược phẩm phải cung cấp nhiều vaccine COVID-19 hơn nữa, đặc biệt là cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, vì đây là cách duy nhất để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Ông cũng chỉ ra sự cần thiết phải ký một "hiệp ước toàn cầu về đại dịch".
Trước đó, vào ngày 10/10, bà Soumya Swaminathan, nhà Khoa học trưởng của WHO cho rằng, còn quá sớm để đưa ra dự đoán về thời điểm kết thúc đại dịch COVID-19, vì có thể vẫn còn những khó khăn mới chưa lường trước được.
Theo bà Swaminathan, tới đây có thể còn xuất hiện những biến thể mới của các chủng virus SARS-CoV-2. Đồng thời, chuyên gia này cũng lưu ý, tình hình dịch tễ sẽ được cải thiện khi việc tiêm chủng đạt tỷ lệ 70% - 80%.
Đại dịch sẽ sớm kết thúc tại Việt Nam?
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: "Về cơ bản, hiện nay chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch tại các địa bàn trọng điểm như TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và một số địa phương khác. Tuy nhiên, sau khi nới lỏng giãn cách, lượng người đi lại từ vùng có dịch về các địa phương rất nhiều và đã xuất hiện các ổ dịch mà nguồn lây chủ yếu từ những người trở về từ các vùng dịch".
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Chúng tôi bày tỏ lo ngại nguy cơ bùng phát dịch rất lớn trong thời gian tới. Do đó, các địa phương phải nâng cao hơn mức độ cảnh giác với dịch”.