Nhiều cách thức chuyển giá
"Không chỉ các doanh nghiệp FDI mà đến nay có cả nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước. Trong đó, có vụ việc tiêu biểu là Sabeco" – ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước phát biểu tại Hội thảo "Chuyển giá – những vấn đề đăt ra trong công tác quản lý hiện nay", ngày 19/7.
Theo ông Hồ Đức Phớc, việc KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt. Do đó, cần hoàn thiện quy định của pháp luật về phòng chống chuyển giá vốn đang còn nhiều bất cập và hạn chế.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, có nhiều cách để doanh nghiệp thực hiện hành vi chuyển giá:
Thứ nhất, thông qua nguyên vật liệu, tài sản cố định, dịch vụ tư vấn, bí quyết,… doanh nghiệp có vốn nước ngoài sẽ nâng giá trị lên 1,5 -2 lần khi giao dịch với đơn vị Việt Nam. Khi đó, đơn vị ở Việt Nam sẽ chịu thua lỗ, lợi nhuận từ Việt Nam được chuyển ra nước ngoài.
Thứ hai, lợi dụng chính sách ưu đãi thuế ở trong nước để chuyển giá. Hiện tại, thuế suất thuế TNDN là 20%. Đồng thời, Nhà nước cũng có các chính sách ưu đãi thuế như cho DN hưởng mức thuế suất thuế TNDN 10% trong 10-30 năm, miễn thuế TNDN 4 năm đầu và giảm 50% ở các năm tiếp theo,… Việc có nhiều chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào những nơi được ưu đãi thuế. Nhưng điều này cũng khiến xảy ra tình trạng chuyển giá giữa các đơn vị chịu thuế suất cao đối với đơn vị hưởng thuế suất thấp để tránh thuế.
Sẽ thắt chặt quy định pháp luật
Ông Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng Kiểm toán NN khu vực 12 cho rằng, mấu chốt để xác định nhanh được hành vi chuyển giá là phải có cơ sở dữ liệu đầy đủ.
"Cần có các thông tin về những công ty đa quốc gia hiện đang đầu tư ở nhiều nước. Ví dụ như có dữ liệu về giá của 1 động cơ xe ô tô, bộ khung gầm, mà doanh nghiệp bán sang Thái Lan và sản phẩm tương tự bán tại Viêt Nam; hãng Cocacola bán hương liệu cho các công ty con ở Đài Loan, Malaysia và Singapore giá bao nhiêu,… khác với giá bán cho doanh nghiệp tại Việt Nam như thế nào,… Từ cơ sở dữ liệu về giá như vậy mới có thể đấu tranh với các hãng tại Việt Nam" – ông Trần Minh Khương lấy ví dụ.
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, từ Trường Đại học Fulbright, việc hoàn thiện hành lanh pháp lý cũng rất quan trọng. Bởi nếu hành lang pháp lý không được hoàn thiện thì cán bộ thuế có năng nổ đến đâu cũng không dám làm, và không có khuôn khổ để làm. Do đó, Nhà nước cần ban hành một luật riêng về chống chuyển giá.
"Trong quá trình thực thi sẽ dần phát hiện ra những lỗ hổng. Việc kịp thời điều chỉnh để lấp lỗ hổng đó, sẽ giúp chính sách ngày càng hoàn thiện, đồng bộ hơn. Chúng ta không thể kỳ vọng một nước đnag phát triển như Việt Nam ngay lập tức có một hành lang pháp lý đầy đủ. Các nước OECD cũng vẫn đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý của họ" – ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.
Ông Phan Vũ Hoàng, Chủ tịch Ủy ban hội viên ACCA Việt Nam, Phó TGĐ Deloitte Việt Nam cho biết, các chương trình hành động Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) được triển khai quyết liệt ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vì thế, các công ty đa quốc gia (bao gồm các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư ra nước ngoài và các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam) sẽ ngày càng phải lưu ý đảm bảo tính tuân thủ các quy định về chuyển giá theo thông lệ quốc tế khi thực hiện dự án đầu tư.
Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp không nên tìm kiếm lợi nhuận thông qua chuyển giá. Dự kiến, Luật quản lý thuế sắp trình lên Quốc hội sẽ có một chương riêng về chuyển giá. Nhiều chuyên gia cũng đã khẳng định về tính cần thiết ban hành một luật riêng về chuyển giá để tăng cường sự quản lý của Nhà nước. Khi các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tìm kiếm lợi nhuận thông qua chuyển giá, tránh thuế thì việc ảnh hưởng đến thương hiệu, danh tiếng là điều không thể tránh khỏi.