Ngày 11-3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.
Trong phần thảo luận, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã nhắc lại thông tin mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nêu trước đó. Cụ thể, tại phiên họp sáng 21-2 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), ông Đinh Tiến Dũng dẫn số liệu cho thấy từ 2013 - 2018 phát sinh 14 vụ kiện của doanh nghiệp (DN) theo kết luận của kiểm toán, tòa đã xử 10 vụ thì cơ quan thuế thua cả 10. Còn 3 vụ đang trong quá trình xử lý, 1 vụ đã tạm dừng vì xuất hiện tình tiết mới.
Ông Hồ Đức Phớc thảo luận tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay 11-3. Ảnh: Quochoi.vn
Về thông tin này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết đã yêu cầu cán bộ tới làm việc cụ thể với Tổng cục Thuế, xem xét lại hồ sơ. Cơ quan kiểm toán đã nghiên cứu về 13 vụ kiện mà bộ trưởng Tài chính phản ánh, trong đó có vụ kiện của Công ty Khai thác công trình 384 kiện Cục Thuế TP HCM. Ông Phớc khẳng định vụ này toà đã bác đơn khiếu kiện và giữ nguyên kết luận kiểm toán.
Còn vụ Công ty Kinh doanh tổng hợp Phú Hùng kiện Cục Thuế tỉnh Thanh Hoá, thực tế là DN kiện kết luận của thanh tra cơ quan thuế, chứ không phải kết luận Kiểm toán Nhà nước. "Các bằng chứng của kiểm toán trong các trường hợp này không phải từ DN, nên nói kết luận kiểm toán sai khiến DN kiện là hoàn toàn không đúng" - ông Phớc nói.
Đối với 11 vụ còn lại, Kiểm toán Nhà nước kiểm toán tại cơ quan thuế, chứ không trực tiếp đối chiếu với DN, chỉ kiến nghị cơ quan thuế kiểm tra làm rõ, xử lý. Ông Hồ Đức Phớc giải thích thêm các bằng chứng của kiểm toán không phải từ DN nên nói kết luận kiểm toán sai khiến DN kiện là hoàn toàn không đúng.
Người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước dẫn chứng 2 trường hợp cụ thể là vụ truy thu thuế tại Sabeco và Unilever. Theo đó, đối với trường hợp của Unilever, kết luận đầu tiên của Kiểm toán Nhà nước là đề nghị truy thu 882 tỉ đồng trên cơ sở kiểm tra hồ sơ tại cơ quan thuế. Sau đó, làm việc với DN thì Unilever không cung cấp được bằng chứng và uỷ quyền cho công ty tư vấn quốc tế.
Sau một thời gian dài, và sau khi có ý kiến của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội yêu cầu tiếp tục làm lại thì lúc đó DN cung cấp hồ sơ bổ sung. "Ba bên xác nhận lại là 575 tỉ đồng, DN chấp nhận 316 tỉ và phần còn lại thì không cung cấp được bằng chứng" - ông Phớc cho biết.
Tại cuộc làm việc cuối cùng tại Kiểm toán Nhà nước với sự tham gia của các bên thì bằng chứng hết sức rõ ràng. Ký nhận vào văn bản thì DN phải nộp 316 tỉ đồng, số còn lại bằng chứng chưa rõ ràng và tiếp tục làm rõ số này. "Nói như vậy để thấy kết luận của kiểm toán phải tâm phục khẩu phục và minh bạch" - ông Hồ Đức Phớc khẳng định.
Đầu năm 2019, Thủ tướng yêu cầu chưa cưỡng chế thuế đối với Sabeco để tiếp tục xem xét - Ảnh: M.Chiến
Đối với Sabeco, tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết từ khi phát hiện hiện tượng chuyển giá của DN, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị và phối hợp với Thanh tra Chính phủ kiến nghị nộp 4.700 tỉ đồng và DN đã nộp vào ngân sách đầy đủ. Số còn lại là tiền phạt chậm nộp mà cơ quan thuế chưa phạt.
Khi Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán đã phát hiện khoản lợi nhuận chưa chia 2.700 tỉ đồng nên kiểm toán yêu cầu phải chia khoản này. Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông trước khi Sabeco được bán, cũng không đưa ra quyết định việc chia lại khoản lợi nhuận trước thuế này.
Giải trình của Bộ Công Thương gửi Kiểm toán Nhà nước sau đó cho biết, đây là khoản dự phòng cho việc cơ quan thuế truy thu khoản phạt chậm nộp thuế của Sabeco trước đây, sau khi bán "cả gốc và ngọn" cho nhà đầu tư ở Thái Lan, gồm cả khoản lợi nhuận chưa chia 2.700 tỉ đồng.
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông sau đó của Sabeco cũng không đưa ra quyết định việc phân chia lại khoản lợi nhuận trên.