CN mong luật cải thiện điều kiện làm việc
Với gần 9.000 CNLĐ (chủ yếu là nữ), Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà hiện có 12 dự án hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực sản xuất dệt may, do vậy diễn đàn tổ chức lấy ý kiến CNLĐ nữ tại đây là hợp lý và cần thiết. Theo ông Trần Danh Chức - Chủ tịch LĐLĐ Quảng Ninh: Trong quá trình thực thi pháp luật BLLĐ 2012, công nhân có nhiều ý kiến phản ánh tới các cấp, các ngành và tổ chức CĐ. Thực hiện bình đẳng giới trong DN sẽ giúp NLĐ có một chế độ làm việc phù hợp cho mỗi giới, tạo ra môi trường làm việc tốt, đảm bảo an toàn, lành mạnh. Đây sẽ là động lực khuyến khích tư duy sáng tạo và nâng cao năng suất lao động, điều mà DN luôn mong muốn.
Tại diễn đàn, nhiều câu hỏi thẳng thắn của CN nữ làm việc tại KCN được giải đáp như: Cuộc cách mạng 4.0 đem đến nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức với CNLĐ, nhất là các ngành như dệt may, da giày; Quảng Ninh có chính sách gì hỗ trợ LĐ vào làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN cảng biển Hải Hà? NLĐ cần được tạo điều kiện nhiều hơn về nhà ở, nhà trẻ, nhà sinh hoạt văn hóa; Thỏa ước lao động tập thể cần đi vào thực chất hơn; Dự thảo BLLĐ (sửa đổi) 2019 có quy định nâng tuổi về hưu của LĐ nữ từ 55 lên 60 tuổi? Việc người sử dụng LĐ vẫn đơn phương sa thải, chấm dứt hợp đồng với LĐ do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản và nuôi con vẫn thường xuyên xảy ra mà chưa được xử lý theo BLLĐ 2012…
Với các kiến nghị của CN nữ về các vấn đề nêu trên, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu đã cặn kẽ trả lời và cho rằng, Luật 2012 cần thay đổi bởi nó có nhiều điều bất cập. Do đó, qua diễn đàn, Tổng LĐLĐVN mong muốn được trực tiếp lắng nghe CNLĐ (đặc biệt là nữ giới), trao đổi, tương tác hai bên nhằm tham gia vào sửa đổi BLLĐ mới cho phù hợp thực tiễn cuộc sống.
CN nữ mong muốn nghỉ hưu ở tuổi 55
Trong phần diễn giải, trả lời câu hỏi của CN Chu Thị Phương (KCN cảng biển Hải Hà), liên quan về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (2011-2020) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có tiêu chí: “Rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam 2 lần vào năm 2015 và 1,5 lần vào 2020”, Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐVN Trịnh Thanh Hằng trả lời: Sau khi xem xét, Tổng LĐLĐVN đồng tình với Bộ LĐTBXH về dự thảo Luật về thời gian phụ nữ, đàn ông nghỉ sinh con và chăm sóc khi con ốm được kéo dài .
Đối với ý kiến mong muốn được tạo điều kiện về nhà ở, nhà trẻ, nhà sinh hoạt văn hóa của CN nhưng thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho rằng: Tổng LĐLĐVN đã tham mưu để Thủ tướng ra Nghị quyết về thiết chế CĐ để NLĐ được tiếp cận mua nhà giá rẻ và sử dụng dịch vụ phù hợp với NLĐ. “Chúng tôi tiếp tục đề xuất chính sách và giám sát việc thực thi công tác này trên nhiều địa phương” - Phó Chủ tịch TLĐ Ngọ Duy Hiểu nói.
Cùng vấn đề trên, ông Trần Danh Chức khẳng định: Quảng Ninh rất quan tâm về vấn đề này, như việc hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ vay vốn thuê - mua nhà ở đối với CNLĐ… trong các KCN. Ngoài ra, Tổng LĐLĐVN cũng đã phê duyệt đồng ý đầu tư cho Quảng Ninh thiết chế CĐ trị giá 290 tỉ tại khu CN Cái Lân.
Trước câu hỏi của nữ CN Hoàng Thu Hương về quy định nâng tuổi nghỉ hưu của nữ giới từ 55 lên 60 (được thực hiện từ năm 2021, mỗi năm tăng 4 tháng), khiến LĐ nữ trong các công việc tay chân và nặng nhọc khó có thể làm đến 60 tuổi, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu đã đề nghị: Trong hội trường này, ai muốn làm việc đến tuổi 60 thì giơ tay và ai muốn làm việc đến tuổi 58, thì giơ tay…, nhưng cả hội trường im lặng và không có cánh tay nào giơ lên đồng tình.
Tuy nhiên, khi ĐBQH Ngọ Duy Hiểu nhắc đề xuất nghỉ hưu ở tuổi 55 đối với nữ, hàng loạt cánh tay dâng cao hưởng ứng kèm theo những nụ cười tươi vui. Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, trong cuộc họp gần đây góp ý tham gia với Thủ tướng Chính phủ về dự Luật Lao động, CĐ tán đồng tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng không phải tăng tất cả đối tượng. Quan điểm của Tổng LĐLĐVN là đối với những người LĐ trực tiếp và một số ngành nghề trong đấy có: May mặc giày da, điện tử, thủy sản… cần xem xét độ tuổi nghỉ hưu phù hợp.
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, chuẩn bị cho Bộ luật Lao động sửa đổi, thời gian qua, Tổng LĐLĐVN đã tổ chức các hoạt động trao đổi, đối thoại với công nhân, khảo sát thực tiễn tại các DN để nắm bắt tình hình bình đẳng giới, làm rõ hơn những quy định trong Bộ luật về bình đẳng trả lương, bình đẳng trong cơ hội việc làm và chia sẻ trách nhiệm với gia đình… “Việc lắng nghe từ CN và chủ DN về các vấn đề và mối quan tâm là sự tương tác cần thiết để có được “chất liệu” quan trọng hình thành các quy phạm pháp luật, đảm bảo tính khả thi, khoa học và mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới” - Phó Chủ tịch TLĐ nói.