Vụ ám sát "hèn nhát"
Khi các chính phủ nước ngoài đang vật lộn đánh giá tình hình, hàng triệu người Haiti lo lắng tập trung xung quanh đài và ti vi, tránh xa đường phố và cố gắng định hình xem cuộc sống của họ sẽ ra sao trong những ngày sắp tới.
Thủ tướng lâm thời Claude Joseph cho biết Tổng thống Haiti Jovenel Moïse đã thiệt mạng trong một vụ ám sát nhằm vào tư dinh của ông ở ngoại ô thủ đô Port-au-Prince. Đệ nhất phu nhân Martine Moïse cũng trúng đạn trong vụ tấn công. Tuy nhiên, chưa thể xác định được tình trạng của bà Moïse.
Theo Thủ tướng Joseph, những kẻ tấn công là một nhóm chưa xác định được danh tính. Có một số kẻ trong đó nói tiếng Tây Ban Nha. Vụ tấn công khiến ông Jovenel Moïse bị thương nặng và không thể qua khỏi. Hiện tại, vẫn có rất ít thông tin về những kẻ thực hiện vụ ám sát gây chấn động này.
Tổng thống Haiti Jovenel Moïse (giữa) và vợ trong một bức ảnh được chụp năm 2019.
Thủ tướng Joshep mô tả vụ ám sát Tổng thống Moïse là hèn nhát. "Những kẻ giết người không thể ám sát được tư tưởng của ông ấy", ông Joseph tuyên bố trước truyền thông và kêu gọi người dân Haiti bình tĩnh. Vị Thủ tướng lâm thời cũng nhấn mạnh tình hình an ninh Haiti đã nằm trong tầm kiểm soát của cảnh sát và quân đội.
Trả lời phỏng vấn tờ New York Times, ông Joseph nói rằng ông đang tạm thời nắm quyền điều hành đất nước. Tuy nhiên, chưa thể xác định vị Thủ tướng lâm thời này đang nắm giữ quyền kiểm soát như thế nào và có thể duy trì nó trong bao lâu. Trước vụ ám sát, một Thủ tướng mới được lên kế hoạch thay thế ông Joseph trong tuần này.
Trong 4 năm cầm quyền, ông Moïse đã thay 7 thủ tướng. Người thay thế ông Joseph đã được chỉ định chỉ 3 tháng sau khi ông được bổ nhiệm. Theo kế hoạch, Haiti dự kiến tổ chức tổng tuyển cử vào cuối năm 2021 và tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp vào tháng 9
Trước khi bị ám sát, ông Moïse lãnh đạo Haiti bằng sắc lệnh (không thông qua sự giám sát của Quốc hội). Những tranh chấp khiến cuộc bầu cử của Haiti bị hoãn từ năm 2018 tới nay, khiến Quốc hội bị giải tán.
Thách thức lại gọi tên Haiti
Họa vô đơn chí, Chánh án Tòa án Tối cao của Haiti, người được trao quyền để thiết lập trở lại trật tự của đất nước với các quyết định pháp lý, đã qua đời vì Covid-19 vào ngày 2/7. Điều này chắc chắn sẽ làm phức tạp hơn nữa tình hình chính trị của quốc gia Caribbean này.
Trong những tháng gần đây, những người biểu tình đã đổ xuống đường để yêu cầu ông Moïse từ chức. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này vẫn duy trì được quyền lực thông qua các sắc lệnh được ban hành trong thời gian qua. Rất nhiều người, bao gồm các học giả về hiến pháp và chuyên gia pháp lý, cho rằng nhiệm kỳ của ông Moïse đã hết.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo khoảng trống chính trị do vụ ám sát ông Moïse để lại có thể thúc đẩy một chu kỳ bạo lực. Người Haiti đã chiến đấu để giành lại tự do từ 2 thế kỷ trước nhưng những đau khổ không kết thúc cùng với chế độ nô lệ thuộc địa.
Tổng thống Jovenel Moïse phát biểu trong một sự kiện ở thủ đô Port-au-Prince, Haiti.
Gần đây nhất, quốc gia này từng phải chịu hơn 2 thập kỷ dưới chế độ độc tài của François Duvalier, được gọi là Papa Doc, và sau đó là con trai của ông, Jean-Claude, được gọi là Baby Doc. Phải tới năm 1990, từ một linh mục nghèo, Jean-Bertrand Aristide mới trở thành tổng thống đầu tiên được bầu một cách dân chủ ở Haiti. Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau, ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính.
Kể từ sau thảm họa động đất sóng thần cách đây 11 năm, Haiti vẫn chưa được tái thiết. Thậm chí, không ít người nói rằng quốc gia còn trở nên tệ hơn bất chấp nhận được hàng triệu USD tiền hỗ trợ xây dựng lại sau thảm họa.
Dù Thủ tướng Joseph tuyên bố kiểm soát an ninh của Haiti sau vụ ám sát nhưng các nhà quan sát quốc tế cảnh báo tình hình có thể diễn biến tệ đi một cách nhanh chóng. Ông Didier Le Bret, cựu đại sứ Pháp tại Haiti, cũng có cái nhìn không mấy tích cực về chính trị Haiti ngay cả trước khi ông Moïse bị ám sát.
Ông Bret mong rằng Thủ tướng lâm thời Joseph có thể điều hành đất nước dù ông ấy thiếu tính chính danh. Trong khi đó, vị cựu đại sứ cũng chỉ trích cộng đồng quốc tế vì phớt lờ tình hình chính trị đầy biến động ở Haiti. Ông Bret nghĩ rằng thế giới cần đóng vai trò đảm bảo cho một quá trình chuyển đổi ở Haiti diễn ra suôn sẻ.
Với 11 triệu dân, Haiti bị nhiều báo cáo kinh tế coi là nước nghèo nhất ở châu Mỹ. Những vấn đề tồn tại từ lâu ở quốc gia này như chia rẽ chính trị sâu sắc, khủng hoảng nhân đạo, tình trạng thiếu lương thực... có thể sẽ tồi tệ hơn sau vụ ám sát, vốn làm dấy lên quan ngại về tình trạng hỗn loạn sẽ lan rộng.
Tham khảo: New York Times