"Tôi cho là không…vì hành vi thất thường của ông ta" – Tổng thống Biden khẳng định khi được hỏi liệu ông Trump có nên tiếp tục được tiếp cận thông tin tình báo hay không?
Khi được hỏi liệu mối bận tâm lớn nhất của ông có phải là cựu Tổng thống Trump nhận được thông tin mật hay không, ông Biden đáp: "Tôi chỉ nghĩ rằng ông ta không cần phải biết thông tin…tình báo. Trao cho ông ta quyền tiếp cận các cuộc họp tình báo để được gì? Tác động đến từ ông ta là gì, ngoài việc ông ta có thể lỡ lời và tiết lộ điều gì đấy?".
Thông thường, các cựu tổng thống Mỹ vẫn được phép tiếp cận một vài cuộc họp tình báo kể cả khi họ đã rời Nhà Trắng.
Tổng thống Joe Biden cho rằng ông Donald Trump nên bị loại khỏi các cuộc họp tình báo. Ảnh: Reuters
Trong 4 năm cầm quyền, ông Trump thường chỉ trích cộng đồng tình báo và không mấy mặn mà với các cuộc họp tình báo kéo dài.
Ông Trump đang đối mặt với phiên tòa luận tội thứ hai tại Thượng viện, dự kiến diễn ra trong vài ngày kể từ ngày 9-2, với cáo buộc kích động bạo lực trong vụ bạo loạn Điện Capitol hồi 6-1.
Báo The New York Times hôm 5-2 trích dẫn một số tài liệu mới, cung cấp thêm thông tin về vụ bạo loạn nêu trên.
Vào ngày 4-1, đơn vị tình báo của Lực lượng Cảnh sát Capitol Mỹ (USCP) đệ trình danh sách tất cả các nhóm đang tiến về Washington và lên kế hoạch biểu tình ủng hộ ông Trump 2 ngày sau đó, như Prime Time Patriots, the MAGA Marchers và Stop the Steal.
Ông Donald Trump là người đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội 2 lần. Ảnh: Reuters
Văn bản này còn khẳng định khả năng bất cứ nhóm nào trong danh sách phạm pháp hay kích động bạo lực là "khó xảy ra", "rất khó xảy ra" hay "xa vời". Tuy nhiên, tài liệu này – trước đây chưa được công bố, không đề cập đến kịch bản vốn dĩ đã xảy ra: Các nhóm hợp tác với nhau, dẫn đến tình trạng bạo lực bùng phát.
Đến ngày 5-1, đơn vị tình báo của USCP đưa ra cảnh báo đáng ngại hơn một chút. Đơn vị này – vốn lấy thông tin từ Cục Điều ra Liên bang (FBI) và Bộ An ninh Nội địa, nói về rủi ro bạo loạn đến từ "cơ hội cuối cùng để đảo ngược kết quả bầu cử" và mối nguy hiểm tiềm tàng của ngày này đối với lực lượng thực thi pháp luật và công chúng.
Theo New York Times, tài liệu cho thấy cảnh sát và các cơ quan thực thi pháp luật liên bang đã đưa ra những đánh giá "không nhất quán, đôi khi là mâu thuẫn" về mối đe dọa đến từ đám đông tiến về Điện Capitol.
Điều này giúp lý giải một phần vì sao chính phủ không chuẩn bị các phương án an ninh cấp bách hơn để đối phó với kịch bản tồi tệ nhất.
Bạo loạn Điện Capitol hôm 6-1 khiến cộng đồng quốc tế "bị sốc". Ảnh: Reuters