Động thái này nhằm hạn chế hơn nữa việc các công ty Mỹ cung cấp sản phẩm có thể được sử dụng cho thiết bị 5G, bên cạnh những mục tiêu khác.
Theo 2 nguồn tin, việc điều chỉnh có thể làm gián đoạn các hợp đồng hiện hành với Huawei, dựa trên giấy phép xuất khẩu đã được phê duyệt trước đó cho các nhà cung cấp Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận, nói rằng thông tin về việc cấp giấy phép là thông tin mật.
Động thái trên cho thấy chính quyền Tổng thống Biden đang củng cố lập trường cứng rắn đối với Huawei, "gã khổng lồ" công nghệ bị Mỹ xem là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Huawei là một trong những vấn đề khiến căng thẳng Mỹ-Trung leo thang. Ảnh: Reuters
Ông chủ Nhà Trắng đang phát nhiều tín hiệu về hướng tiếp cận mạnh mẽ với Trung Quốc. Ngoài quyết định trên, chính quyền Tổng thống Biden hôm 11-3 cũng đã chỉ trích những nước đi của Bắc Kinh nhằm thay đổi hệ thống bầu cử Hồng Kông.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan sẽ thẳng thắn nêu vấn đề trong cuộc gặp trực tiếp với giới chức ngoại giao Trung Quốc ở bang Alaska – Mỹ, vào ngày 18 và 19-3.
Ngoài Hồng Kông, Đài Loan, những lo ngại liên quan đến quan hệ kinh tế và nghi vấn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cũng sẽ được đề cập trong các cuộc thảo luận được dự đoán là "khó khăn" này.
Tổng thống Joe Biden nhiều khả năng duy trì hướng tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Trung Quốc phủ nhận cáo buộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ cùng những cộng đồng Hồi giáo khác ở Tân Cương, đồng thời yêu cầu các nước không can thiệp vào vấn đề nội bộ của họ ở Hồng Kông và Đài Loan.
Quốc hội Trung Quốc hôm 11-3 phê chuẩn dự thảo quyết định về điều chỉnh hệ thống bầu cử Hồng Kông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price gọi đây là "một cuộc tấn công trực tiếp nhằm vào quyền tự trị, tự do và tiến trình dân chủ của Hồng Kông".