Phát biểu trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ ví FED như một "đứa trẻ ngang bướng", trong khi nước này cần cắt giảm và nới lỏng lãi suất thì FED lại tạo dựng những thứ mà các nước đang dùng để chống lại Washington.
Theo ông, FED "không biết đang làm gì" và đã nâng lãi suất quá nhanh. Người đứng đầu nước Mỹ cho rằng nếu không có các động thái của FED, nền kinh tế đầu tàu thế giới có thể tăng trưởng hằng năm 4 hoặc 5% trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones sẽ tăng thêm hàng nghìn điểm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới vào tháng tới sẽ ghi nhận tăng trưởng trong 10 năm và là giai đoạn tăng trưởng lâu nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, cường quốc này cũng bắt đầu phát đi những dấu hiệu trái chiều.
Trong khi khảo sát lòng tin của người tiêu dùng, hoạt động doanh nghiệp, chi tiêu tiêu dùng và tỷ lệ thất nghiệp đều khả quan, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong gần 50 năm qua, thì dấu hiệu quan ngại xuất hiện cũng ngày một nhiều, khi tăng trưởng sau các biện pháp cắt giảm thuế và gói cứu trợ tài chính vào năm 2017 ngày một mờ nhạt.
Các tổ chức tài chính dự báo tăng trưởng trong quý II/2019 có thể sẽ chỉ bằng 1/2 so với quý đầu tiên, sản xuất tiếp tục suy yếu trong khi đầu tư kinh doanh sụt giảm. Đó là chưa kể Tổng thống Donald Trump đe dọa tăng thuế thêm các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá 300 tỷ USD - động thái mà giới phân tích cho rằng có thể tác động đến kinh tế toàn cầu.
Cũng trong ngày 24/6, ban lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với những nguy cơ ngày một lớn trong trung hạn, trong đó, những nguy cơ hữu hình hiện nay đó là việc đảo ngược đột ngột các điều kiện thị trường tài chính gần đây hoặc những tranh chấp thương mại tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu.
Trong một tuyên bố, IMF nhận định nợ công của Mỹ so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể tiếp tục tăng trong trung hạn. Liên quan chính sách tiền tệ, IMF hoan nghênh FED ngừng điều chỉnh lãi suất, cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ cần ngừng việc tăng lãi suất cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng hơn về lương và lạm phát giá cả.
Bên cạnh đó, IMF cũng hối thúc Mỹ hợp tác mang tính xây dựng với các đối tác thương mại, giải quyết căng thẳng thương mại theo cách thúc đẩy hệ thống thương mại quốc tế dựa trên nguyên tắc rõ ràng, ổn định và mở.
Trong khi đó, tổ chức nghiên cứu dự báo kinh tế Oxford Economics dự báo FED có thể cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm 2020 do gói kích thích kinh tế và tăng trưởng toàn cầu yếu đi trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.
Trước đó, ngày 19/6, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED, đã quyết định duy trì lãi suất cơ bản ở mức từ 2,25-2,5%.
Đây là lần thứ tư trong năm nay FED không thay đổi lãi suất và ngân hàng này đang phát tín hiệu có thể cắt giảm lãi suất như Tổng thống Mỹ mong muốn. Các chuyên gia của FED lưu ý rằng thị trường lao động Mỹ "vẫn vững mạnh" và hoạt động kinh tế "đang gia tăng ở mức độ hài hòa" kể từ hồi tháng 5.
FOMC sẽ giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình kinh tế và sẽ hành động một cách thích đáng để duy trì đà tăng trưởng cùng với thị trường lao động vững mạnh và lạm phát gần với mục tiêu cân đối ở mức 2%.
Trong bối cảnh xuất hiện những dấu hiệu nền kinh tế toàn cầu bắt đầu giảm tốc và các “mặt trận” thương mại của Tổng thống Trump đã kéo dài sang năm thứ hai, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của FED cũng đã ám chỉ trong những tuần gần đây rằng có thể nới lỏng chính sách tiền tệ để đối phó với những rủi ro./.