Ngày 13/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra tuyên bố này trên trang Twitter, vài giờ sau khi ông chỉ thị các quan chức cấp cao Mỹ xem xét khả năng tái gia nhập TPP.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, Tổng thống Trump cho biết Mỹ đã có thỏa thuận song phương với 6 trong số 11 nước thành viên CPTPP và đang nỗ lực đạt được thỏa thuận với Nhật Bản - nền kinh tế lớn nhất trong CPTPP khiến thương mại Mỹ gặp nhiều khó khăn trong nhiều năm qua.
Trước đó, Nhà Trắng thông báo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và cố vấn kinh tế cấp cao Larry Kudlow đang xem xét "có thể thương lượng một thỏa thuận tốt hơn hay không" theo chỉ thị của Tổng thống Donald Trump.
Động thái trên được cho là đánh dấu sự thay đổi của Tổng thống Trump khi chính ông là người phản đối TPP trong chiến dịch tranh cử và đã rút Mỹ khỏi hiệp định thương mại này ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ năm ngoái.
Trong một tuyên bố cùng ngày, Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Lindsay Walters cho biết chỉ thị mới của Tổng thống Trump nhất quán với các tuyên bố của ông trước đó. Bà Walters nói: "Năm ngoái, Tổng thống đã giữ lời hứa rút khỏi TPP... bởi vì thỏa thuận này không công bằng với các công nhân và nông dân Mỹ. Tuy nhiên, ông vẫn kiên định rằng luôn để ngỏ với một thỏa thuận tốt hơn."
Nhiều nghị sỹ thuộc các bang có nền nông nghiệp mạnh của Mỹ, trong đó có Iowa, Nebraska, Bắc Dakota, Kansas, Texas đã hoan nghênh động thái trên của Tổng thống Trump, coi đây là “tin tốt lành.”
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách khu vực châu Á-Thái Bình Dương lại tỏ ý nghi ngờ phát biểu trên. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nhấn mạnh: "Nếu điều này là sự thật, tôi sẽ hoan nghênh," đồng thời cho biết cần phải kiểm chứng tuyên bố trên bởi Tổng thống Donald Trump "là người hay thay đổi và có thể nói điều gì đó khác ngay ngày hôm sau." Ông hy vọng Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Donald Trump sẽ bàn thảo vấn đề trên trong cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào tuần tới.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng cho rằng nếu Mỹ thể hiện mong muốn "chân thành," điều này sẽ tạo ra một tiến trình mới.
Trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump thường xuyên bày tỏ không hài lòng đối với các thỏa thuận thương mại đa phương, trong đó bao gồm cả TPP và Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) có tuổi đời 24 năm vốn đang phải đàm phán lại giữa Mỹ với Canada và Mexico. Tuy vậy, tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) hồi tháng 1 năm nay tại Davos, Thụy Sĩ, Tổng thống Trump nói rằng ông chuẩn bị các cuộc đàm phán với các nước TPP theo hình thức cả riêng lẻ lẫn theo nhóm.
TPP từng bao gồm 12 nước tham gia đàm phán gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 nước còn lại vẫn cố gắng tiếp tục thỏa thuận này và đổi tên thỏa thuận thành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), được chính thức ký kết tại Chile ngày 8/3 vừa qua.
Giới phân tích đánh giá việc tham gia lại TPP sẽ tạo những thay đổi lớn cho nhiều doanh nghiệp Mỹ trong tương lai. Trong khi đó, một nhóm gồm 25 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng đã gửi thư cho Tổng thống Trump kêu gọi tái gia nhập TPP “để người Mỹ có thể tận dụng được các cơ hội lớn mà các đối tác thương mại mang tới.”
Trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể nổ ra sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này "lời qua tiếng lại" về các biện pháp tăng thuế nhập khẩu của nhau, các chuyên gia kinh tế cho rằng cách tốt nhất để Mỹ có thể đối phó với Trung Quốc là mở rộng thị trường thông qua các hiệp định đa phương dạng như TPP.
Tuy nhiên, tái gia nhập TPP có thể là nhiệm vụ phức tạp khi 11 nước còn lại đã mất nhiều tháng đàm phán mà không có sự góp mặt của Mỹ để đạt được CPTPP. Theo chuyên gia thương mại Eswar Prasad thuộc Đại học Cornell, thật khó mà tin được rằng Mỹ sẽ được các thành viên hiện nay của CPTPP “chào đón” và CPTPP sẽ được đàm phán lại./.