Sau khi kêu gọi nhà đầu tư hãy bình tĩnh và nên tận dụng cơ hội giá rẻ để mua vào trên TTCK, Tổng thống Donald Trump mới đây lại có phát biểu mới kêu gọi "đã đến lúc" Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hành động như 1 người dẫn đầu và hạ lãi suất, cho dù động thái này có liên quan đến cú lao dốc vừa qua của thị trường hay không.
"Fed có ảnh hưởng rất lớn..", ông Trump phát biểu trong cuộc họp báo của Nhà Trắng bàn về những phản ứng của chính quyền Mỹ trước dịch bệnh do virus corona gây ra.
Cuối tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã "mở cánh cửa" cho cơ hội cắt giảm lãi suất, dẫn ra lý do là những "rủi ro đang tiến triển" đe dọa nền kinh tế Mỹ.
"Những yếu tố cơ bản của kinh tế Mỹ vẫn mạnh khỏe. Tuy nhiên, virus corona đang gây ra những rủi ro đe dọa hoạt động kinh tế. Fed đang theo dõi sát sao các diễn biến cũng như các tác động đến triển vọng kinh tế. Chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ của mình và hành động một cách hợp lý để hỗ trợ nền kinh tế", ông Powell phát biểu.
Lâu nay Tổng thống Trump vẫn liên tục hối thúc Fed hạ lãi suất. "Đây là điều mà tôi nghĩ rằng Fed đáng lẽ nên làm trước cả khi dịch bệnh xảy đến. Chúng ta nên có mức lãi suất thấp nhất nhưng thực tế lại phải như vậy", ông Trump nói.
Bên cạnh đó ông cũng ca ngợi mức lãi suất âm tại một số quốc gia, mặc dù NHTW các nước Thụy Sĩ, Nhật Bản và một số nước đang thực thi chính sách lãi suất âm là do họ cần nỗ lực kích thích nền kinh tế đã ì ạch quá lâu.
Chỉ số S&P 500 đã giảm liên tiếp 7 phiên, mất tổng cộng 11% trong tuần trước, mức giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Tuy nhiên ông Trump bày tỏ sự tự tin vào TTCK Mỹ: "Tất cả các thị trường rồi sẽ hồi phục. Tất cả đều rất khỏe mạnh".
Đã lây lan ra gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, dịch bệnh đang khiến các hoạt động kinh tế bị ngừng trệ ở nhiều nơi. Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù Cục dự trữ liên bang Mỹ và các NHTW khác có thể hành động để bảo vệ kinh tế thế giới trước các cú sốc, lần này "vũ khí" của họ có vẻ không phù hợp. Dịch bệnh sẽ gây ra "cú sốc cung", làm giảm sản lượng của các quốc gia bị ảnh hưởng vì những lý do không liên quan đến các yếu tố mà các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa có thể tác động mạnh. Do đó hiệu quả của 1 đợt cắt giảm lãi suất sẽ không thể mạnh mẽ như những gì chúng ta đã chứng kiến trong các đợt khủng hoảng kinh tế trước đây.
Tham khảo Bloomberg