Trong tuyên bố mới nhất, ông Donald Trump cho biết chính quyền Mỹ đang xem xét đánh thuế với máy bay trực thăng chở khách mới của EU, nhiều loại phô mai, rượu vang, đồ trượt tuyết và một số xe máy của EU. Lý do mà ông Trump đưa ra là EU có những biện pháp thiên vị cho Airbus và làm tổn hại tới Boeing.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ dẫn thông tin từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết việc EU trợ cấp cho Airbus đã gây nhiều bất lợi cho phía Mỹ. Trên thị trường Airbus và Boeing là hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới. Hai công ty này có những sản phẩm tương đồng để cạnh tranh với nhau.
Chính quyền của ông Trump bắt đầu xem xét việc đánh thuế nhằm vào EU hôm 8/4 theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 để xác định những sản phẩm của EU sẽ bị đánh thuế. Tuy nhiên, việc gỡ bỏ chúng khỏi danh sách cũng có thể được đưa ra khi EU bỏ các khoản trợ cấp.
Lượng hàng hóa mà Mỹ dự định đánh thuế của châu Âu có giá trị khoảng 11. Tuy nhiên, điều đó chỉ trở thành hiện thực khi WTO đưa ra quyết định cuối cùng vào mùa hè này về việc EU có trợ cấp cho các doanh nghiệp sản xuất của khối này hay không. Đây được xem là động thái hiếm hoi của ông Trump khi chờ quyết định của một bên thứ 3 để áp đặt việc trừng phạt.
Phía Mỹ cũng xác nhận họ sẽ áp dụng biện pháp đánh thuế nhằm vào EU theo đúng cách mà họ đã làm với Trung Quốc từ giữa năm ngoái. Nó xuất hiện khi các thành viên EU đang cố hoàn tất đàm phán để ủy quyền cho Ủy ban EU bắt đầu tiến hành đàm phán về một khoản thuế công nghiệp với chính quyền Trump.
Động thái của Mỹ được cho là khiêu khích, đe dọa làm phức tạp thêm cuộc đàm phán ở châu Âu. Một số thành viên của EU, dẫn đầu là Pháp, đã tỏ ra hoài nghi về giá trị một cuộc đàm phán với Mỹ.
Robert Lighthizer, trưởng phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết Mỹ đã mất kiên nhẫn với quá trình phán quyết của WTO. "Vụ khiếu nại đã kéo dài 14 năm và đã đến lúc phải hành động". Ông Lighthizer cũng nhấn mạnh rằng phía Mỹ muốn EU chấm dứt các trợ cấp cho Airbus, điều mang lại một lợi thế không công bằng trên thị trường máy bay trở khách toàn cầu.
"Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là đạt thỏa thuận với EU để chấm dứt tất cả những khoản trợ cấp không phù hợp với máy bay dân dụng cỡ lớn. Khi EU ngừng các khoản trợ cấp tai hại này, Mỹ có thể dỡ bỏ các biện pháp thuế quan", ông Lighthizer nói.
Trong tuyên bố chính thức, Boeing cho biết họ hỗ trợ Phòng Thương mại Mỹ và sẽ nỗ lực không ngừng để tạo ra sân chơi công bằng trên thị trường máy bay toàn cầu.
Gần 15 năm trước, Mỹ phàn nàn với WTO rằng Airbus đã được hưởng lợi lớn lên tới nhiều tỷ USD từ các khoản trợ cấp bất hợp pháp. Vụ kiện vẫn đang được tòa Trọng tài phân xử.