Chuyến đi diễn ra suôn sẻ mà không gặp phải sự cố lớn nào cũng như đáp ứng kỳ vọng của các nhà phê bình. Nếu mục đích chủ yếu trong chuyến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines của ông Trump là tăng cường quan hệ với các nước và nhà lãnh đạo, chuyến công du có thể được đánh giá là thành công dù giành được ít thắng lợi về chính sách thực tế .
Thời gian tổng thống Mỹ ở châu Á cho thấy ông Trump thoải mái khi ở nước ngoài hơn so với ở nhà khi không phải đối mặt với tỉ lệ ủng hộ thấp, thành công từ cuộc bầu cử đang lu mờ dần cũng như cuộc điều tra liên quan tới Nga đang đe dọa những đồng minh thân cận nhất của ông.
Sự thoải mái của ông chủ Nhà Trắng khi làm việc ở nước ngoài được thể hiện trong chuyến công du đầu tiên khi đến Ả Rập Saudi hồi tháng 5. Tại Riyadh, ông Trump vừa nhận được sự ngưỡng mộ của các hoàng tử vừa được tận hưởng những thú vui giải trí sang trọng.
Tương tự như Ả Rập Saudi, lãnh đạo của các nước châu Á cũng chào đón ông Trump bằng những nghi lễ trang trọng, liên tục khen ngợi tổng thống Mỹ trong các cuộc họp báo chung. Ngay cả Triều Tiên dường như cũng hợp tác khi không phóng tên lửa nào hay thử nghiệm hạt nhân khi ông Trump đang ở châu Á.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có chuyến công du châu Á thành công. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, ông William Chong, chuyên gia cao cấp về an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược (IISS), nhận định vẫn có những hoài nghi sâu sắc trong khu vực về chính sách thực tế và cam kết của ông Trump, đặc biệt là về mặt kinh tế và thương mại.
Thương mại là một chủ đề lớn trong chuyến đi lần này của ông Trump, phản ánh qua những lời lẽ đanh thép "nước Mỹ trước hết" của ông tại Việt Nam. Dù rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng Tổng thống Trump vẫn tránh chỉ trích các nước thành viên, thay vào đó tập trung vào các chính quyền tiền nhiệm của Mỹ.
Ông hứa hẹn "thực hiện các thỏa thuận thương mại song phương với bất kỳ quốc gia vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương nào muốn trở thành đối tác của chúng tôi và tuân thủ các nguyên tắc thương mại công bằng và có qua có lại".
Tuy nhiên, ông Chong cho rằng thông điệp này lại ít được tiếp nhận tại khu vực còn đang tổn thất vì mất TPP. 11 quốc gia còn lại vẫn sẽ tiếp tục TPP dù không có Mỹ và thỏa thuận mới có thể được nhất trí sớm nhất vào đầu năm sau.
Về Triều Tiên, đây là vấn đề chiếm phần lớn thời gian trong tuần đầu tiên của ông Trump tại châu Á. Cả Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đều bày tỏ ủng hộ với cách tiếp cận Bình Nhưỡng của ông Trump.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại cam kết của Bắc Kinh về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.