Nếu là chiến thắng cho ông chủ Nhà Trắng, ông đã thắng ai?
Trước hết, ngài Tổng thống đã thắng tất cả các chính quyền trước ông - tất cả những nhà lãnh đạo luôn ngợi ca về hòa bình nhưng lại sẵn sàng chiến tranh với Triều Tiên.
Ngay trước khi chuẩn bị rời Hà Nội trở về Mỹ, trong buổi họp báo với truyền thông, Tổng thống Trump cũng khẳng định: "Đáng lẽ việc này nên được thực hiện bởi nhiều tổng thống trước tôi. Tôi không nhằm vào việc đổ lỗi cho chính quyền Obama, trước chính quyền Obama trong một thời gian dài cũng không ai làm được điều đó".
Ảnh: Tuấn Mark
Chiến thắng thứ hai của Tổng thống Trump là trước giới phê bình chính trị Mỹ và đảng Dân chủ Hoa Kỳ. Trong thời gian chuẩn bị tiến tới hội nghị chính thức, đã có rất nhiều mối lo ngại được dấy lên về việc Tổng thống có thể sẽ quá tham vọng vào một "dấu ấn lịch sử" cho riêng mình mà nhượng bộ quá nhiều quyền lợi của nước Mỹ, chỉ để chắc chắn rằng ông có được một thỏa thuận.
Đảng Dân chủ cũng lo sợ Tổng thống có thể sẽ ký một hiệp ước cho phép Triều Tiên giữ chương trình hạt nhân dưới một hình thức nào đó khác.
"Tổng thống Trump đã làm điều đúng đắn khi rời bàn đàm phán và không nhượng bộ thêm chỉ để đạt được một thỏa thuận tồi", Thượng nghị sĩ Chuck Schumer nhận định.
Bà Susan Rice - cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Obama, đã viết trên New York Times vào đêm trước hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, lo ngại rằng ông Trump đang quá háo hức để gặp ông Kim một lần nữa. Tuy nhiên sau đó bà cũng phải thừa nhận với National Public Radio NPR: "Đối mặt với một lời đề nghị khó chấp thuận của ông Kim, tôi nghĩ rằng ngài Tổng thống đã làm đúng".
Và chiến thắng thứ ba, thật ra đã được bật mí ngay trước khi ông Trump lên đường sang Việt Nam. Ông nhắc đi nhắc lại về việc ông muốn làm mọi thứ một cách đúng đắn, chứ không phải nhanh chóng, và ông không muốn thúc đẩy mọi thứ đi quá nhanh. Ông nhấn mạnh: "Tôi không muốn bất cứ sự thúc ép nào. Chừng nào không có thử vũ khí hạt nhân, chúng ta vẫn vui vẻ".
Ngài đã có được điều mình muốn: "Ông Kim đã hứa với tôi sẽ không có bất kỳ vụ thử vũ khí hạt nhân nào, và tôi sẽ tin lời ông ấy" – Tổng thống nói trước khi về Mỹ.
Còn Chủ tịch Kim Jong Un, ông được gì từ kết quả này?
Có một thực tế không thể phủ nhận: Hiện nay, sức mạnh duy nhất của Triều Tiên là vũ khí hạt nhân, vì họ hầu như chưa có lợi thế gì về kinh tế so với thế giới, khi bị hàng loạt các lệnh trừng phạt bủa vây, kìm hãm sự phát triển. Dễ dàng để hiểu rằng, việc yêu cầu Chủ tịch Kim phải từ bỏ tất cả những lá bài "át chủ" trong tay mình khi chưa thể chắc chắn về việc gỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt cũng là điều bất khả.
Tuy nhiên, hình ảnh về nhà lãnh đạo Triều Tiên với toàn thế giới, hay trên chính trường quốc tế có lẽ cũng làm ông cảm thấy hài lòng hơn rất nhiều. Chủ tịch Kim là người có khả năng thuyết phục Tổng thống của nhà nước quyền lực nhất thế giới, gặp gỡ ông tới hai lần, mà lại là ở vị thế ngang hàng.
Triều Tiên tuy chưa phải là một nền kinh tế lớn mạnh, nhưng dưới thời ông Kim Jong Un, nó đang dần chuyển mình, trở nên đầy đủ hơn, tiến bộ hơn và cởi mở hơn với thế giới. Và ông Kim cũng là một nhà lãnh đạo yêu nước, sẵn sàng "hòa thuận" với ông Moon Jae In, với Hàn Quốc. Ông Kim cũng sẵn sàng làm một "người bạn" với Hoa Kỳ, nhượng bộ về vấn đề hạt nhân để có thể phát triển kinh tế, vì nhân dân của mình.
Lần đầu tiên trả lời phóng viên quốc tế, ngài Chủ tịch đã cho thấy thái độ vô cùng thiện chí và tích cực vì mục tiêu hòa bình. Khi được hỏi có sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân không, ngài Kim trả lời: "Nếu tôi không sẵn sàng, tôi đã không đến đây".
"Chỉ là hai bên chưa thể đi đến những quan điểm thống nhất", ông Trump giải thích khi cuối cùng Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa đi đến một ký kết cụ thể nào.
Kết thúc buổi thảo luận, cho dù không đạt được việc gỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt, nhưng hai nhà lãnh đạo vẫn bắt tay nhau vui vẻ. Và ông Kim ít nhất cũng đã có được lời khẳng định của Tổng thống Trump: "Tôi sẽ không gia tăng lệnh trừng phạt lên Triều Tiên. Người dân Triều Tiên cũng cần phải sống và điều đó quan trọng với tôi".
Thực ra tất cả đều hiểu rõ, không dễ gì một vấn đề đã kéo dài đến 70 năm lại có thể dễ dàng giải quyết chỉ thông qua một hai cuộc trao đổi, và đó vẫn là chuyện thường thấy trên chính trường. Với tiêu chí: "Không có thỏa thuận nào còn hơn một thỏa thuận tồi", nếu cho rằng nhất định phải có một buổi lễ ký kết chính thức hội nghị mới được coi là thành công, thì quả là sai lầm.
"Các nhà ngoại giao đã cố gắng nhiều hơn nữa để thúc đẩy an ninh Hoa Kỳ và bán đảo Triều Tiên mà không muốn sử dụng các biện pháp cưỡng bức kinh tế hay các mối đe dọa của lực lượng quân sự. Ngoại giao là một quá trình lâu dài, cần có thời gian và rõ ràng vẫn còn rất nhiều việc phải làm" – ông Kevin Martin, Chủ tịch Tổ chức Hành động Hòa bình và điều phối viên của Mạng lưới Hòa bình Hàn Quốc nhận xét.
Chủ tịch Kim Jong Un cho biết Tổng thống Hoa Kỳ dù chưa xác nhận sẽ có hội nghị lần ba nhưng khẳng định sẽ gặp lại ông Kim trong tương lai, và hai bên đã đồng ý sẽ tiếp tục đàm phán. Tổng thống cũng khẳng định việc giải trừ hạt nhân sẽ thực hiện được, vấn đề chỉ là thời gian: "Nó có thể sẽ đạt được sớm, có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn. Tôi hy vọng nó sẽ sớm có kết quả, nhưng có lẽ sẽ không lâu nữa đâu" – ông Trump trả lời phóng viên.