Theo đó, Phó Tổng thống từng bị cách chức là ông Emmerson Mnangagwa, được sự ủng hộ của quân đội, nay đã trở lại và nhậm chức phó lãnh đạo đảng cầm quyền ZANU-PF. Không chỉ có ông Mugabe, phu nhân của ông là bà Grace Mugabe cũng sẽ buộc phải từ chức lãnh đạo Hội Phụ nữ Zimbabwe.
Trước đó, một số nguồn tin cho biết đảng ZANU-PF đã kêu gọi ông Mugabe rời bỏ cương vị Tổng thống và sẽ có một cuộc họp khẩn đề bàn về tương lai của đất nước trong vòng 48 giờ tới. Còn trên các đường phố ở thủ đô Harare, khoảng 5.000 người đã tham gia vào cuộc biểu tình ủng hộ quân đội Zimbabwe và yêu cầu ông Mugabe từ chức.
Một số hãng thông tấn cho biết, ông Mnangagwa đã trở về Zimbabwe để lãnh đạo chính phủ, trong khi ông Mugabe bày tỏ quan điểm không từ chức với các chỉ huy quân đội Zimbabwe vào ngày 16/11 vừa qua.
Một lãnh đạo phe đối lập trước đó đã kêu gọi ông Mugabe từ chức, nói rằng sự ra đi của ông sẽ là phù hợp cho lợi ích của người dân Zimbabwe. Ông Mugabe khẳng định ông vẫn là nguyên thủ quốc gia hợp pháp của Zimbabwe và yêu cầu được miễn truy tố nếu rời bỏ cương vị hiện nay.
Đầu tuần này, đảng cầm quyền Zimbabwe cho biết đất nước đang trải qua quá trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình của Tổng thống Mugabe, người năm nay 93 tuôi. Mặc dù ông Mugabe đang bị quân đội quản thúc, song một phát ngôn viên của lực lượng vũ trang nước này cho biết họ không có ý định “tiếm quyền bằng vũ lực” ông Bugabe và rằng Tổng thống Zimbabwe vẫn an toàn tại tư gia của mình.
Tình hình căng thẳng ở Zimbabwe đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực bày tỏ quan ngại sâu sắc. Liên minh các nước Châu Phi đã nhận định rằng sự kiện này “dường như là một cuộc đảo chính”. Thêm vào đó, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma cho biết ông sẽ cử một đoàn đại biểu để đàm phán với ông Mugabe.