Mới đây, CMC Telecom đã tố FPT Telecom cắt hàng loạt tuyến cáp của mình tại TP Hồ Chí Minh. Đại diện FPT Telecom cho biết, việc cắt sợi cáp quang này của CMC Telecom là hoàn toàn có căn cứ bởi sợi cáp không nằm trong danh mục hạ tầng mà CMC Telecom được phép triển khai theo quy định. Phía CMC Telecom lập tức lên tiếng bác bỏ vấn đề này và đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc phân định. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp truyền dẫn đang có những động thái tăng giá cho thuê hạ tầng với giá tăng rất cao ở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Ông Vũ Thế Bình cho biết, ở một số thành phố lớn, sau một thời gian quản lý phân tán về hạ tầng ngầm dành cho viễn thông, chính quyền các thành phố đã có những bước cải tiến như đưa về một đầu mối Sở TT-TT quản lý rồi tiến đến thúc đẩy “xã hội hoá” việc đầu tư, xây dựng, quản lý và chia sẻ hạ tầng cống bể dành cho viễn thông.
Rắc rối nảy sinh nhiều hơn khi các nhà viễn thông cùng tham gia “xã hội hoá”. Chuyện này đương nhiên tạo tiềm tàng xung đột lợi ích. Động cơ lợi ích và cạnh tranh trực tiếp giữa bên có cống bể và bên thuê cống bể, vốn kinh doanh trong cùng một lĩnh vực viễn thông – Internet, thậm chí cùng một địa bàn, sẽ thúc đẩy các hành vi thiếu chuẩn mực, thậm chí vi phạm pháp luật hoặc vi phạm các thoả thuận dân sự giữa các bên.
Khi đó, việc xử lý dân sự giữa hai bên, thậm chí có sự can dự của cơ quan quản lý nhà nước thì chỉ giải quyết phần ngọn. Người thiệt thòi nhất là khách hàng/người dùng, rồi đến đơn vị đi thuê và chính đơn vị cho thuê với khả năng tổn hại danh tiếng cũng như thương hiệu.
“Cũng nên nói thêm một thực tế nữa là hầu hết các tuyến phố có công trình ngầm để các nhà viễn thông triển khai hạ tầng cáp, do đặc thù đô thị, hầu như không có sự lựa chọn thứ hai cho nhà viễn thông. Hay nói cách khác, công trình ngầm có yếu tố độc quyền tự nhiên. Với tình hình đô thị ngày càng chật chội, viễn thông – Internet tiếp tục phát triển nhanh, tiến đến 5G thì chẳng mấy mà cống ngầm sẽ tắc nghẽn và lộn xộn như trên cột điện trước đây. Yếu tố độc quyền tự nhiên càng được phát huy, và ảnh hưởng đến khả năng kết nối của các doanh nghiệp viễn thông, tức là ảnh hưởng đến quyền kinh doanh chính đáng của họ", ông Vũ Thế Bình nói.
Ông Vũ Thế Bình cho rằng, để yếu tố độc quyền tự nhiên không tổn hại đến quyền kinh doanh chính đáng của doanh nghiệp và giảm thiểu khả năng cạnh tranh không lành mạnh thì phải có bên khác ngoài các nhà viễn thông để quản lý vận hành, một cách minh bạch. Giải pháp nào là hợp lý, nhà nước đứng ra làm, đơn vị công ích đứng ra làm, hay một doanh nghiệp ngoài ngành đứng ra làm thì chỉ có thể quyết định bởi cơ quan quản lý đô thị và quản lý ngành.
Cách làm hiện nay, chưa kể đến việc ông A cắt cáp của ông B đã luôn tiềm tàng rủi ro với các nhà viễn thông, đặc biệt là các đơn vị không tham gia đầu tư hạ tầng ngầm, tối thiểu là bị ép giá. Mà thực tế đang diễn ra như vậy, các đơn vị cho thuê có xu thế tăng giá và có vẻ thiếu các căn cứ kinh tế minh bạch. Độc quyền tự nhiên sẽ dẫn đến tăng giá.
Tổng thư ký VIA cho rằng, giải pháp cụ thể là gì thì UBND các thành phố và Bộ chuyên ngành mới có thể đánh giá và lựa chọn phù hợp dựa trên mục tiêu - chiến lược phát triển viễn thông, tình hình thực tiễn từng đô thị, các tiêu chí đảm bảo cạnh tranh và quyền tiếp cận, các cơ chế liên ngành.
Chúng ta cũng nên biết thêm là hệ thống công trình ngầm nổi phục vụ rất nhiều chức năng, ngành khác nhau như chiếu sáng, viễn thông, truyền hình cáp, hệ thống tín hiệu giao thông…
Khi việc quản lý được minh bạch và hiệu quả, các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh dựa trên chất lượng dịch vụ, trải nghiệm và danh tiếng.
"Chính phủ đang thúc đẩy và động viên mọi doanh nghiệp, mọi ngành nghề hành động để bắt kịp "chuyến tàu 4.0", trong đó có các định hướng đô thị thông minh thì bài toán quản lý hạ tầng tiện ích ngầm nổ, chắc chắn là một trong những bài toán quan trọng và cần quan tâm hàng đầu", Tổng thư ký VIA nói.