Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị, nửa đầu năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt hơn 1.038.000 tỷ đồng (tương đương hơn 40,8 tỷ USD), bằng 61% dự toán năm, tăng 17,7% so cùng kỳ năm 2023. Tổng chi ngân sách ước đạt hơn gần 804.000 tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán năm.
Cùng với đó, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo. Tính đến hết tháng 6/2024, Bộ Tài chính đã phát hành hơn 156.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn bình quân là 10,89 năm, lãi suất bình quân 2,33%/năm, đảm bảo nguồn chi trả kịp thời nợ gốc các khoản vay đến hạn của ngân sách trung ương và góp phần định hướng lãi suất thị trường.
Thời gian qua, do tình hình khó khăn, cần nhiều nguồn lực cho hoạt động đầu tư công, xây dựng hạ tầng, thực hiện an sinh xã hội, các đơn vị đã phải thực hiện thắt chặt chi tiêu.
Trong thời gian tới, quan điểm của Bộ Tài chính là cần triển khai chính sách tài khóa mở rộng, báo cáo triển khai các giải pháp miễn giảm thuế cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh, người nộp thuế.
Đặc biệt, trong năm 2025 tập trung các nguồn lực tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Về vấn đề này, Lãnh đạo Bộ Tài chính nêu quan điểm là tạo điều kiện để doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển nhằm gia tăng số lượng cơ sở có năng lực nộp thuế.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn thu, phấn đấu tăng thu để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện các chính sách hỗ trợ; phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; tập trung thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế,...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc lưu ý, theo số liệu chưa đầy đủ, hiện nợ thuế tiền sử dụng đất toàn quốc là 89.000 tỷ đồng, nguy cơ không những bị thất thu mà còn lãng phí nguồn lực, gây bất ổn xã hội, người dân nộp tiền cho doanh nghiệp bất động sản giờ không trả quyền lợi không được giao tài sản, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất...
Trong khi các doanh nghiệp đã thu tiền làm các việc khác, thậm chí nguy cơ phá sản. Do đó, cần có các cơ chế bảo đảm quản lý lĩnh vực này chặt chẽ hơn, trong đó, gắn chặt việc quản lý nghĩa vụ về thuế khi triển khai các dự án bất động sản.
Nhằm phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2024, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ đạo toàn ngành tập trung triển khai 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2024.
Trong đó bao gồm, hoàn thành công tác xây dựng pháp luật, thường xuyên rà soát các luật, nghị định, thông tư, các vấn đề còn vướng mắc, bất hợp lý để sửa đổi quy định cho phù hợp, đóng góp cho sự phát triển và tăng trưởng bền vững.
Hai là, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng đề nghị toàn Ngành vào cuộc, quyết liệt thực hiện công tác thu NSNN, tăng cường quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế. Kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công.
Ba là, chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2025, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2025-2027.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nhằm đảm bảo thị trường tài chính phát triển minh bạch, hiệu quả, thu hút các nguồn lực cho phát triển.
Năm là, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống gian lận xuất xứ hàng hóa có hiệu quả. Làm tốt nhiệm vụ cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, kịp thời tham mưu các giải pháp phù hợp, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Về thị trường chứng khoán, bảo hiểm, lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá cao những tiến bộ trong việc thực hiện minh bạch hóa thị trường. Thị trường chứng khoán vận hành lành mạnh hơn, giá trị vốn hóa được cải thiện, thị trường trái phiếu đã được chấn chỉnh, dù vẫn còn những vấn đề liên quan đến 1 số khoản nợ cũ.