TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5

04/06/2022 19:04
Vào 16h ngày 4/6 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ.

Như thường lệ, mở đầu họp báo, Người phát ngôn của Chính phủ sẽ cung cấp thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra sáng cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; một số nét chính tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022.

Về tình hình KTXH, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tiếp nối đà phục hồi và phát triển của những tháng đầu năm, tình hình KTXH tháng 5 tiếp tục khởi sắc, cho thấy khí thế phục hồi mạnh mẽ trên các lĩnh vực; cả ba khu vực đều tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,38% so với tháng 4, bình quân 5 tháng tăng 2,25% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng của năm 2021 nhưng thấp hơn mức tăng giai đoạn 2017-2020); thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm.

- Thu đủ chi: Thu NSNN ước đạt 57,1% dự toán, tăng 18,7% cho thấy sự cố gắng của chúng ta trong bối cảnh lạm phát, lãi suất, giá dầu và nhiều hàng hóa thiết yếu trên thế giới gia tăng. Xuất đủ nhập. Xuất khẩu 5 tháng tăng 16,3%, nhập khẩu tăng 14,9%, xuất siêu khoảng 516 triệu USD. Làm đủ ăn; an ninh lương thực được bảo đảm; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tháng 5 ổn định và có phần tăng trưởng; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản được khơi thông, mở rộng. An ninh năng lượng được bảo đảm; cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp. Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 4,4% so cùng kỳ.

- Khởi sự doanh nghiệp tiếp tục nở rộ; trong 5 tháng có gần 100.000  DN thành lập mới và quay trở lại thị trường, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút rui.

- Công tác an sinh xã hội được quan tâm; bảo đảm an sinh xã hội cho hàng chục triệu người. Gói hỗ trợ của Chính phủ đạt trên 81 nghìn tỷ đồng cho gần 729.000 lượt người sử dụng lao động và gần 50 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác (theo Nghị quyết 68, 126, 116; QĐ 23, 28). Các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa nghệ thuật từng bước trở lại bình thường. Đặc biệt, SEA Games 31 được tổ chức chu đáo, an toàn, thành công trên nhiều mặt, đoàn Việt Nam dẫn đầu các nước và phá kỷ lục về số lượng huy chương vàng.

- Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế diễn ra sôi động, hiệu quả với nhiều đề xuất phù hợp, thể hiện chính kiến của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế.

- Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Các cơ quan vào cuộc tích cực, tăng cường xử lý các vụ án về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được đẩy mạnh; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối và ứng dụng hiệu quả.

- Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về: dự báo tăng trưởng kinh tế; Chỉ số phục hồi COVID-19; chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch; xếp hạng tín nhiệm quốc gia; về chỉ số thu hút đầu tư; chỉ số hài lòng đối với các dịch vụ công...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, những kết quả đạt được trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm là rất đáng mừng, tạo niềm tin và nền tảng để tiếp tục phục hồi nhanh, phát triển bền vững KTXH. Có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự giám sát, đồng hành của Quốc hội; sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp; sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Tại họp báo, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cũng dành thời gian trả lời, làm rõ những vấn đề mà báo chí và dư luận xã hội quan tâm.

PV Nguyễn Ngọc (VITV): Xin hỏi Bộ Công Thương, vừa qua giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Được biết, giá xăng dầu có thể giảm tiếp bằng việc giảm thuế phí. Xin hỏi Bộ Tài chính và Công Thương có tính toán về việc này chưa? Còn giải pháp nào để bình ổn giá xăng dầu nữa không?

Xin hỏi Bộ Y tế, hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát, việc tiêm vaccine mũi 3, 4 có bắt buộc không? Sắp tới Bộ Y tế có sửa quy định 5K trong phòng chống dịch không?

TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Sẽ cố gắng ở mức cao nhất để đảm bảo điều chỉnh mức giá xăng dầu trong khả năng cho phép - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Thời gian vừa qua, chúng ta đều biết giá xăng dầu tăng liên tục và tăng ở mức cao. Bộ Công Thương rất chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu trong đời sống và trong sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo Chính phủ hết sức quan tâm, thường xuyên chỉ đạo quyết liệt việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân cũng như xăng dầu cho sản xuất kinh doanh.

Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán theo Nghị định 83 và Nghị định 95 sửa đổi một số nội dung của Nghị định 83 trong điều hành giá xăng dầu, nhằm mang lại những thuận lợi nhất trong điều kiện có thể đối với người dân và doanh nghiệp.

Có 3 biện pháp cần lưu ý, tập trung thực hiện nhằm kiềm chế cao nhất mức tăng của giá xăng, dầu:

Trước hết, chúng ta cần sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động giá của thế giới, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ việc phục hồi kinh tế.

Chúng tôi xin chia sẻ thêm, vừa qua giá xăng dầu tăng là khó khăn đối với người dân, doanh nghiệp, và cũng là sức ép lớn đối với sự điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đặc biệt là đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Giá bình quân một số mặt hàng xăng, dầu thế giới tại thị trường Singapore từ đầu năm đến 1/6 tăng 45,6-63,68%. Tuy nhiên, nhờ sử dụng linh hoạt, hợp lý những công cụ bình ổn giá suốt thời gian vừa qua, giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 27,29-47,89%. Như vậy rõ ràng mức tăng của chúng ta thấp hơn mức tăng của thế giới.

Biện pháp thứ hai, chúng ta phải điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu xăng dầu. Ví dụ, hiện nay có thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu. Vừa qua, Bộ Công Thương đã đề xuất, kiến nghị và Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ, ngày 23/3/2022, Uỷ ban TVQH đã ban hành Nghị quyết 18 về giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn 50% và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường với dầu hoả từ ngày 1/4/2022, có hiệu lực đến hết năm nay. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục rà soát trong phạm vi cho phép để giảm tiếp các thuế có liên quan đến cơ cấu giá xăng, dầu.

Biện pháp thứ ba, Bộ Công Thương có quan điểm là giá xăng, dầu muốn giảm được mức tăng không phải chỉ có riêng Bộ Công Thương và Bộ Tài chính mà đây còn là trách nhiệm của Chính phủ và của các bộ, ngành khác. Vì vậy, cần hướng tới đề xuất những chính sách an sinh cho người dân, hướng đến những đối tượng người nghèo, hộ chính sách… và phải tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh xăng, dầu tăng như hiện nay.

Chúng tôi tin rằng với những biện pháp hiện nay và sắp tới sẽ cố gắng ở mức cao nhất để đảm bảo điều chỉnh mức giá xăng dầu trong khả năng cho phép.

TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn: Về giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã báo cáo rõ, tôi xin báo cáo thêm về các chính sách thuế thực hiện điều tiết giá xăng, dầu.

Các chính sách thuế chúng ta đang áp dụng với xăng dầu hiện nay gồm: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Các sắc thuế này đảm bảo phù hợp với các thông lệ chung trên thế giới.

Trung bình các nước trên thế giới tỉ trọng thuế trong giá xăng dầu chiếm khoảng 45-60% (trừ các nước có trữ lượng dầu mỏ lớn). Tại Việt Nam, sau khi có chính sách về giảm thuế, tỉ trọng thuế với xăng khoảng 29-31%, còn đối với dầu diesel khoảng 13,3%. Thuế và lệ phí không quy định thu trên xăng, dầu. Như vậy, có thể thấy thuế với xăng dầu của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với thế giới.

Trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng cao thời gian vừa qua do các nước đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch và xung đột Nga-Ukraine, đây là vấn đề nóng trong nước và cả trên thế giới. Những nguời làm quản lý giá chúng tôi cũng rất lo lắng giá tăng dầu sẽ ảnh hưởng đến chỉ số CPI, đây là thách thức lớn trong năm 2022.

Về thuế bảo vệ môi trường, trong năm 2021-2022, để hỗ trợ các hãng hàng không phục hồi, chúng ta đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn có mức giảm 50-70% để hỗ trợ giảm giá xăng, dầu.

Hiện tại, trong bối cảnh giá xăng, dầu lên cao, ngày 21/4 Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành báo cáo Chính phủ về biểu thế xuất nhập khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó có đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi với xăng từ 20% xuống 12% nhằm đa dạng hoá các nguồn cung xăng dầu.

Còn thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, không có quy định về việc miễn giảm thuế đối với hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Mặt khác, thuế tiêu thụ đặc biệt của chúng ta hiện nay với mặt hàng xăng cũng đang ở mức thấp trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương: Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định tại các Khoản 1, 2, 3 Điều 29 về sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc thì: Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh;

Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng;

Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc.

Theo Khoản 2 Điều 30 Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm: Ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc quy định tại Khoản 1 Điều 29 của Luật này;

Tổ chức triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng và quy định danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc, độ tuổi trẻ em thuộc đối tượng của Chương trình tiêm chủng mở rộng quy định tại Khoản 2 Điều 29 của Luật này;

Quy định phạm vi và đối tượng phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc tuỳ theo tình hình dịch;

Quy định việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế quy định tại Khoản 3 Điều 27 của Luật này; điều kiện của cơ sở y tế quy định tại Khoản 4 Điều 27 của Luật này.

Căn cứ vào những quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, ngày 17/10/2017, Bộ Y tế đã ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc.

Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 447 về việc công bố dịch COVID-19, và là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A có nguy cơ đại dịch toàn cầu trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, hiện nay COVID-19 chưa được cập nhật vào danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc cũng như độ tuổi trẻ em thuộc đối tượng của chương trình tiêm chủng mở rộng chưa có quy định phạm vi và đối tượng phải sử dụng vaccine và sinh phẩm y tế bắt buộc theo tình hình dịch với một số lý do sau:

Thứ nhất, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên triển khai tiêm vaccine tự nguyện, hơn là bắt buộc.

Thứ hai, việc sử dụng vaccine phòng chống dịch COVID-19 trên thế giới hầu như là tự nguyện, chỉ có một số quốc gia bắt buộc tiêm vaccine với một số đối tượng như công nhân, cảnh sát, quân đội… và chưa bắt buộc tiêm vaccine với trẻ em 5-12 tuổi.

Thứ ba, các vaccine phòng COVID-19 vẫn đang trong quá trình tổng hợp theo dõi về hiệu quả của sử dụng vaccine.

Căn cứ vào quy định hiện hành và các lý do nêu trên tại thời điểm hiện nay, việc tiêm vaccine cho trẻ 5-12 tuổi chưa có đủ cơ sở xác định là bắt buộc.

Sáng nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế sẽ làm việc với Bộ Tư pháp, các đơn vị liên quan để xem xét vấn đề này.

Về việc có sửa quy định 5K hay không, từ khi bùng phát dịch COVID-19, thông điệp 5K đã được sử dụng rất hiệu quả, góp phần rất lớn trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Y tế đã tham mưu tạm dừng việc khai báo y tế, không bắt buộc hạn chế tập trung đông người và giữ khoảng cách. Như vậy, thực chất chỉ còn thực hiện khẩu trang-khử khuẩn.

Hiện nay, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đúng lịch, đủ liều là rất quan trọng để đảm bảo phòng bệnh và Bộ Y tế đã đề xuất V2K (vaccine – khẩu trang – khử khuẩn) và đã lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 và trình Chính phủ. Tuy nhiên trong dự thảo, Bộ Y tế cũng nêu rõ thông điệp 5K vẫn sẽ được sử dụng nếu xuất hiện biến chủng mới gây ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân.

16:42 ngày 04/06/2022

PV Kỳ Thành (báo Đầu tư): Thời gian qua, có nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng nếu siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản sẽ gây ra những tác động lớn đến thị trường. Xin cho biết định hướng phát triển thị trường và vốn ở lĩnh vực này như thế nào?

SEA GAMES 31 được cho là kỳ SEA GAMES thành công nhất đối với thể thao của Việt Nam cả về mặt tổ chức và thành tích. Vậy xin hỏi bài học rút ra từ sự thành công này là gì? Chính phủ đã đầu tư như thế nào? Sau SEA GAMES 31 sẽ đầu tư cho thể thao thành tích cao như thế nào để hướng tới vinh quang ở đấu trường khu vực và quốc tế?

TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 - Ảnh 3.

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú: Kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn nhưng khuyến khích ở những lĩnh vực tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú: Trong chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ, về phía NHNN có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, những đối tượng theo Nghị định 31 của Chính phủ. Đây là một trong những chương trình rất quan trọng. Các ngân hàng thương mại cùng với các ngân hàng nhà nước, các bộ, ngành đang triển khai tích cực.

Cách đây mấy ngày, NHNN có hội nghị triển khai Nghị định 31 và có công văn của NHNN hỗ trợ 2% lãi suất, tôi đã giải thích báo cáo về việc gần đây các phương tiện thông tin đại chúng hay dùng các từ như "siết", "cắt" tín dụng, bất động sản. NHNN chưa bao giờ có văn bản hoặc phát ngôn dùng những từ như vậy.

Từ trước tới nay, quan điểm của NHNN vẫn theo tinh thần kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn như bất động sản, chứng khoán. Đối với bất động sản cũng là đối tượng được kiểm soát chặt chẽ, ở những dự án phân khúc lớn, những dự án có tính chất đầu cơ, thậm chí có tính chất lũng đoạn giá, phải kiểm soát rất chặt chẽ. Chính vì vậy, chúng tôi vẫn thấy đây là quan điểm cũng như tinh thần chỉ đạo từ trước đến nay và tiếp tục được thực hiện trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Tín dụng ở những lĩnh vực tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế được khuyến khích, như tập trung vào phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Thậm chí trong Nghị định 31 và Thông tư 03 của chúng tôi hướng dẫn dành 2% lãi suất để thực hiện dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân, kể cả chung cư cũ. Điều đó chứng tỏ không phải tất cả lĩnh vực bất động sản đều bị kiểm soát chặt chẽ.

Bất động sản trong thời gian gần đây vẫn tăng bình thường. Đến giữa tháng 4 tín dụng bất động sản tăng và có dư nợ là 2.288.000 tỷ đồng, mức tăng là 10,19% so với cuối năm 2021. Mức này so với thời điểm cùng kỳ 2021 có tăng nhanh hơn. Tổng dư nợ vào bất động sản chiếm 19,16% so với dư nợ của nền kinh tế, dư nợ tín dụng đầu tư vào lĩnh vực chúng tôi đang kiểm soát chặt chiếm 1/3 – khoảng 785.000 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại cho vay bình thường có mức dư nợ khoảng 1.500.000 tỷ đồng, chiếm 66-67% tổng dư nợ tín dụng bất động sản. Quan điểm chỉ đạo của NHNN vẫn tiếp tục theo chủ trương, chính sách. Điều đó không có nghĩa rằng tất cả lĩnh vực bất động sản bị siết lại, không có nghĩa là cung cho bất động sản thiếu.

TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông: Tổ chức thành công SEA Games 31 là minh chứng thiết thực nhất cho việc Việt Nam đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, kinh tế phục hồi và sẵn sàng cất cánh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông: SEA GAMES 31 đã được tổ chức một cách long trọng, hoành tráng với những kết quả chưa bao giờ đạt được từ trước đến nay, hoàn thành với rất nhiều kỷ lục đã được lập ra. Đó cũng là sự phối hợp rất chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố dưới sự chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để chúng ta có một kỳ SEA GAMES 31 thắng lợi.

Về công tác tổ chức, điều hành, dù việc chuẩn bị có nhiều gấp gáp và gặp nhiều khó khăn sau đại dịch, nhưng trên tinh thần phối hợp một cách đồng bộ, trách nhiệm, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức tiết kiệm, có trọng tâm, trọng điểm nhưng vẫn có sự trọng thị, chu đáo, đúng thông lệ quốc tế quy định.

Công tác phối hợp với các đơn vị đã kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Đặc biệt, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đều quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Qua đó đã kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị, tổ chức Đại hội.

Về chất lượng chuyên môn, có một vài số liệu: Trong tổng số 40 môn tham dự, có 38 môn đạt huy chương (chiếm 95%), 2 môn không đạt huy chương là Golf và Bowling (chiếm 5%). Có 22/23 môn thể thao Olympic đạt huy chương (chiếm 95,65%), trong đó 18/23 môn đạt huy chương vàng (chiếm 78,26%). Có 12/13 môn thể thao trong chương ASIAD đạt huy chương (chiếm 92,3), trong đó có 11/13 môn đạt huy chương vàng (chiếm 84,6%). Có 6/7 môn/phân môn trong chương trình SEA Games 31 đạt huy chương vàng (chiếm 85,7%). Bóng đá nữ 7 lần vô địch, bóng đá nam trong quá trình thi đấu không bị thủng lưới bàn nào và cũng vô địch. Điều này cho thấy sự tập trung đầu tư của Thể thao Việt Nam đang đi đúng hướng, đúng trọng tâm và phát triển vào các môn thể thao Olympic.

Trong quá trình Đại hội, không xảy ra bắt kỳ vụ việc ngộ độc thực phẩm, đảm bảo 100% công tác an ninh, an toàn cho tất cả các vận động viên. Các nghi lễ chính thức của Đại hội như lễ khai mạc, lễ bế mạc, lễ thượng cờ, lễ trao huy chương được tổ chức trang trọng, đúng quy định. Trong cả kỳ Đại hội đã thử hơn 900 mẫu doping và đều an toàn. Một số con số khác như có hơn 3000 phóng viên tác nghiệp, trong đó có 696 phóng viên quốc tế; huy động 3.000 tình nguyện viên; hơn 2.000 bác sĩ ở 23 bệnh viện luôn sẵn sàng trực chiến; mời 1.033 trọng tài quốc tế và hơn 2.000 trọng tài của Việt Nam trong tất cả các trận đấu; điều phối hơn 800 đầu xe phục vụ Đại hội và các chương trình truyền hình trực tiếp, gián tiếp, làm tốt nhiệm vụ truyền hình chủ nhà của SEA Games 31…

Về hiệu quả quảng bá hình ảnh đất nước, xét trên khía cạnh này thì SEA Games 31 là kỳ Đại hội thể thao quốc tế thành công nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Việt Nam. Chúng ta đã tranh thủ cơ hội đăng cai Đại hội để tiếp tục quảng bá hình ảnh đất nước, dân tộc Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, có truyền thống lịch sử hào hùng, đang trên đường phát triển thịnh vượng. SEA Games 31 tạo được nhiều dấu ấn về mặt truyền thông, được dư luận quốc tế ghi nhận. Những hình ảnh về cổ động viên Việt Nam thân thiện, cán bộ và tình nguyện viên của Ban Tổ chức chủ nhà nhiệt tình, trách nhiệm đã được lan tỏa rộng rãi, tạo được ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng ASEAN. Thông điệp của Đại hội "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn" được bạn bè quốc tế đánh giá cao, cho rằng là thông điệp phù hợp trong giai đoạn hiện nay hướng tới xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết, thịnh vượng.

Việc chúng ta chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công SEA Games 31 trong bối cảnh dịch bệnh cũng đã khiến bạn bè trong khu vực hoan nghênh, nể phục. Tổ chức thành công SEA Games 31 là minh chứng thiết thực nhất cho việc Việt Nam đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, kinh tế phục hồi và sẵn sàng cất cánh.

SEA Games 31 được tổ chức đúng vào lúc chúng ta mở cửa du lịch trở lại, đóng vai trò hết sức quan trọng, là một "cú hích" để làm bùng nổ du lịch trong thời gian tới. Thực tế thời gian qua, lượng du khách quốc tế và trong nước có liên quan tới các hoạt động của Đại hội đã tăng đột biến.

Qua SEA Games 31, Thể thao Việt Nam đã khẳng định vị thế hàng đầu tại đấu trường thể thao khu vực. chúng tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm định hướng và đầu tư cho công tác thể dục thể thao cả về thể chế, chính sách và nguồn lực để thực hiện các mục tiêu chiến lược nhằm nâng tầm của Thể thao Việt Nam trong giai đoạn tới. Để tiếp tục phát huy vị thế của Thể thao Việt Nam, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, đầu tư trọng điểm cho công tác chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự Olympic 2024.

Thành công của SEA Games 31 cho thấy việc đăng cao tổ chức các sự kiện có những thử thách và có những thành công. Chúng tôi sẽ đề xuất Chính phủ quan tâm chỉ đạo xây dựng lộ trình, kế hoạch chuẩn bị các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để có thể đăng cai tổ chức các sự kiện lớn vào thời điểm thích hợp.

16:38 ngày 04/06/2022

PV Thu Hằng (Báo điện tử Vietnamnet): Vừa qua thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương có bổ sung một số vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi như vụ FLC, Tân Hoàng Minh, Việt Á. Xin Bộ Công an khái quát lại một số kết quả điều tra chính các vụ việc này!

Cũng liên quan đến vụ Việt Á, sự tham gia của các quan chức không chỉ ở địa phương mà cả Trung ương. Xin người phát ngôn của Bộ Công an nêu rõ bài học được rút ra để tránh những vụ việc như vậy xảy ra?

Vụ việc này còn cho thấy số tiền của Việt Á hối lộ các quan chức CDC các tỉnh, thành cũng rất lớn. Xin người phát ngôn Bộ Công an cho biết dòng tiền mà Việt Á đưa đến các quan chức CDC các tỉnh, thành được thực hiện ra sao (đưa trực tiếp, qua chuyển khoản hay người nhà của họ)?

TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 - Ảnh 5.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin với báo chí về kết quả điều tra ban đầu một số vụ án điểm thời gian qua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an: Thứ nhất phải khẳng định rằng tất cả các bị can trong những vụ án Việt Á, Tân Hoàng Minh, FLC… đều vi phạm pháp luật hiện hành và chắc chắn họ sẽ bị xử lý bằng pháp luật.

Thứ hai các bị can những vụ án này có đặc điểm là rất nhiều người trong số họ là cán bộ, đảng viên và lãnh đạo. Những bị can này phạm tội là do lợi dụng chính sách để trục lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ và vi phạm những quy định của người đứng đầu như hối lộ và nhận hối lộ. Các bị can là cán bộ, đảng viên trước tiên sẽ bị xử lý theo các quy định của đảng, sau đó sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật.

Về dòng tiền mà bạn hỏi, đây là yếu tố rất quan trọng với cơ quan điều tra, từ đó tìm ra bản chất của vụ việc trong những vụ án này. Trong một số vụ án, khi khám xét thì có những bị can trong ngăn kéo có đến hơn 10 tỷ. Ví dụ, vụ Việt Á rất nhiều tiền. Như các bạn biết, trong lời khai là kiếm lãi khoảng 4.000 tỷ và bôi trơn khoảng 800 tỷ, đó là kênh để các nhà điều tra tìm ra.

Theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lực lượng Công an cũng đang tập trung hết sức để sớm có những kết quả.

Còn ví dụ để chứng minh cho vấn đề trục lợi chính sách, theo cán bộ điều tra chẳng hạn một chuyến bay "combo" (có trả phí) giải cứu, trừ các chi phí đi có thể số tiền lợi nhuận lên đến vài tỷ đồng một chuyến, mà có gần 2.000 chuyến bay.

Hay vụ FLC, kết quả điều tra ban đầu xác định từ ngày 1/9-10/1/2019, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh thư nhân dân của 26 cá nhân lập 20 doanh nghiệp, mở 450 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán để thực hiện các hành vi thao túng giá cổ phiếu nhằm tạo ra cung cầu giả với 6 mã chứng khoán FLC và thu lợi bất chính, theo dự tính ban đầu là 975 tỷ đồng. Điều này đã gây thiệt hại đặc biệt lớn cho các nhà đầu tư.

Hiện nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận 557 đơn của các nhà đầu tư tố cáo hành vi thao túng thị trường chứng khoán của Trịnh Văn Quyết và đồng phạm.

Việt Á cũng là do lợi dụng chính sách của Đảng và Chính phủ về các sản phẩm, chế phẩm y tế để cứu người bệnh, ngăn chặn dịch bệnh hay giải cứu công dân Việt Nam ở nước ngoài và một số cán bộ lợi dụng chính sách để trục lợi.

16:32 ngày 04/06/2022

PV Trần Vương (báo Lao động): Thời gian qua, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới kê thực phẩm chức chăng vào đơn, nhà thuốc bán đắt hơn giá thị trường, có dấu hiệu nhập nhèm hóa đơn thu chi tài chính, khiến dư luận dậy sóng vì bị vắt kiệt sức. Hóa đơn thuốc lên đến tiền triệu vì thực phẩm chức năng. Vậy Bộ Y tế và Bộ Công an có giải pháp gì để xử lý hiện tượng này?

Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 08 hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động từ ngày 1/4. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân chậm, mới có 11.000 lao động trong 3,4 triệu lao động được nhận hỗ trợ, thủ tục rườm rà khiến tiến độ giải ngân chậm. Vậy, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có giải pháp gì đẩy nhanh tiến độ, đưa chính sách của Thủ tướng Chính phủ vào cuộc sống?

TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 - Ảnh 6.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà lý giải việc triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động ở một số địa phương chậm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà: Về thực hiện, thời điểm này, ngày 3/6 đã có 19 tỉnh, thành phố nhận được hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà của DN. Tổng số hồ sơ tiếp nhận đề nghị từ 2.007 DN với 46.461 lao động, hỗ trợ 33,2 tỷ đồng. Hồ sơ đã thẩm định phê duyệt là 319 DN với 21.361 lao động, số tiền đã quyết định phê duyệt là 25,4 tỷ đồng. Hồ sơ đã giải ngân là 100 DN với 6.297 lao động, số tiền 3,1 tỷ đồng.

Việc triển khai ở một số địa phương chậm do một số nguyên nhân.

Thứ nhất, do cán bộ địa phương gặp lúng túng trong hướng dẫn DN.

Thứ hai, một số nơi chưa bố trí kịp nguồn, chờ kinh phí ngân sách Trung ương phân bổ.

Thứ ba, một số DN e ngại người lao động trục lợi, nên tự ý phát sinh quy định, đòi người lao động cung cấp giấy tạm trú, hợp đồng thuê nhà, làm chậm tiến độ phê duyệt hồ sơ.

Thứ tư, một số DN chưa chủ động, số lao động lớn. Vì Quyết định 08 có quy định gộp 2, 3 tháng, do đó nhiều DN với số lao động đông có tâm lý chờ 2, 3 tháng mới làm hồ sơ cho người lao động. Vì vậy, UBND cấp huyện nhận được rất ít, đang chờ các DN gửi hồ sơ lên.

Đó là một số nguyên nhân ở một số địa phương triển khai còn chậm.

Về giải pháp, Thủ tướng có Công điện số 431/CĐ-TTg 2022 tăng cường triển khai hỗ trợ người lao động, phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Về phía Bộ, chúng tôi đã ban hành Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ hoàn thành vào tháng 8/2022. Thực tế, thủ tục viết đơn xác nhận danh sách đơn giản, nhưng DN sợ trục lợi nên phát sinh thêm 2 nội dung thủ tục, làm chậm tiến độ. Chúng tôi đã có hướng dẫn các cơ quan chuyên môn đốc thúc kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Chúng tôi đã công văn đề nghị UBND cấp tỉnh phối hợp phê duyệt danh sách, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động lập danh sách rà soát người lao động nhanh chóng hơn. Tăng cường phối hợp với các bộ ngành, tuyên truyền các chính sách, hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc thực hiện sớm đi vào cuộc sống như đã nêu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương:  Về kê đơn, Bộ Y tế đã nắm được. Theo quy định, bác sĩ chỉ được kê đơn thuốc. Bộ Y tế sẽ kiểm tra, có biện pháp xử lý phù hợp và thông tin kết luận tới báo chí trong thời gian sớm nhất.

16:15 ngày 04/06/2022

PV Ngọc An (báo Tuổi trẻ TPHCM): Hiện nay có rất nhiều băn khoăn về tiến độ triển khai Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế xã hội. Đề nghị lãnh đạo VPCP cũng như Bộ KH&ĐT cho biết cụ thể hiện nay tiến độ triển khai gói này như thế nào? Có rất nhiều vướng mắc về quy trình thủ tục, việc giải quyết những vướng mắc và khắc phục tồn tại khó khăn ra sao để đẩy nhanh gói hỗ trợ này?

Hiện nay có một số địa phương đề xuất tăng học phí trong bối cảnh giá cả leo thang rất cao tạo áp lực cho cuộc sống người dân. Đề nghị Bộ GD&ĐT cho biết về lộ trình tăng học phí và kiểm soát sao cho phù hợp lộ trình hiện nay?

TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 - Ảnh 7.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương: Quy trình trong đầu tư công phải làm từng bước, không thể làm tắt được, nếu không sẽ vi phạm quy định pháp luật - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương: Thông tin đại chúng vừa qua cho thấy, các đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 3 rất quan tâm đến chương trình này. Trong phiên giải trình về kinh tế xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã phát biểu làm rõ nhiều nội dung chi tiết về tiến độ giải ngân chương trình phục hồi để phục vụ các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước.

Tôi xin báo cáo thêm, chương trình phục hồi phát triển kinh tế là chương trình tổng thể có 5 nhiệm vụ chính, có nhiều nhiệm vụ tiếp nối các nghị quyết trước đây đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành như Nghị quyết 30, Nghị quyết 105. Chương trình phục hồi thực chất được thực hiện ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43 cũng như Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 vào tháng 1/2022. Tổng thể chương trình 347 nghìn tỷ thuộc tất cả các chương trình, hoạt động khác nhau, không bao gồm 46 nghìn tỷ chương trình vaccine chưa phải dùng đến vì Chương trình vaccine chúng ta có nhiều thành công.

Như vậy, số tiền còn lại là 301 nghìn tỷ, đã giải ngân được 22 nghìn tỷ thuộc tất cả các hoạt động khác nhau. Tôi xin điểm lại 4 chương trình.

Chương trình thứ nhất là cho vay thông qua ngân hàng chính sách xã hội đối với đối tượng chính sách thuê mua nhà ở xã hội. Theo báo cáo của NHCSXH, hiện nay NHCSXH đã giải ngân hơn 4,5 nghìn tỷ đồng trên tổng số tiền được giao kế hoạch năm nay là 19 nghìn tỷ cho hơn 100.000 khách hàng vay vốn. Như vậy chương trình cho vay chính sách nhà ở xã hội thực hiện đáng kể, ngân hàng đã tích cực triển khai mạnh mẽ.

Nhóm chương trình thứ hai là hỗ trợ công nhân thuê nhà theo Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện giải ngân đến ngày 20/5 đã đạt 1,7 tỷ đồng.

Về nhóm hoạt động thứ ba liên quan đến miễn giảm thuế thu nhập đặc biệt, có tác động đến chính sách tài khóa. Đã hỗ trợ khoảng 11.800 tỷ đồng trên 60 nghìn tỷ đồng. Chính sách miễn giảm thuế này được thực hiện ngay từ tháng 2/2022.

Thứ tư, hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Trong quy trình này theo Nghị quyết 43 thì khoản tương đương chi phí cơ hội là khoảng 135 nghìn tỷ với việc giãn hoãn như thế này, tác động đến ngân sách nhà nước tương đương 6 nghìn tỷ đồng.

Tổng hợp lại thì kết quả giải ngân cho đến nay là 22 nghìn tỷ đồng.

Về vấn đề nhà báo quan tâm, một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn còn hiện nay còn đang trong quá trình hoàn thiện và chờ cấp có thẩm quyền ban hành. Về cơ bản, các văn bản đã được ban hành. Ví dụ như Nghị định hướng dẫn hỗ trợ 2% lãi suất cho đến nay đã sẵn sàng triển khai gấp rút. Còn lại 3 văn bản liên quan cấp nghị định và thông tư hướng dẫn, các cơ quan đang đẩy nhanh tiến độ hướng dẫn về chỉ định thầu trong chương trình phục hồi. Đây là quy định mang tính cởi mở, tác động thêm để rút ngắn các quá trình trong đấu thầu thi công.

Đến thời điểm này, Bộ KH&ĐT, đơn vị chủ trì đã trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng. Sau khi có chỉ đạo, sẽ tiếp tục hoàn thiện trong thời gian sớm nhất. Văn bản hướng dẫn các bộ liên quan cũng đang gấp rút hoàn thành.

Các nhà báo cũng rất quan tâm đến 113 nghìn tỷ thuộc phần đầu tư công. Với số tiền như vậy được thực hiện tương tự kế hoạch đầu tư công, thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật, qua từng bước một. Hiện nay đã thực hiện xong bước đầu tiên là Thủ tướng Chính phủ thông báo với các bộ, ngành, địa phương liên quan danh mục dự án với số tiền cụ thể để làm căn cứ phê duyệt chủ trương đầu tư. Bộ KH&ĐT đã có công văn hướng dẫn đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt các chủ trương đầu tư này trong thời gian sớm nhất để Bộ KH&ĐT tổng hợp.

Sau bước này, bước hai là tổng hợp danh mục các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư trình Chính phủ xem xét, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phê duyệt. Đây là quy định theo Luật Đầu tư công, Nghị quyết 43 của Quốc hội. Bước này chúng tôi thực hiện rơi vào quý III.

Do vậy, sau khi phân bổ kế hoạch xong, tức là sau khi Quốc hội phê duyệt xong, thì Thủ tướng sẽ làm bước thứ ba là giao cụ thể kế hoạch danh mục dự án, số vốn cho các bộ, ngành địa phương liên quan. Trên cơ sở đó, bước bốn là các bộ, ngành, địa phương phải phê duyệt quyết định đầu tư các chương trình dự án trong chương trình phục hồi. Sau khi phê duyệt kế hoạch đầu tư, có vốn mới có thể bắt đầu triển khai các hoạt động, các biện pháp giải ngân là giải phóng mặt bằng, đấu thầu thi công.

Đó là tiến độ cũng như các bước triển khai trong thời gian tới. Chúng tôi đã cố gắng giải trình chi tiết để các nhà báo có thể hiểu quy trình trong đầu tư công phải làm từng bước, không thể làm tắt được, nếu không sẽ vi phạm quy định pháp luật, hết sức cấm kỵ trong Luật Đầu tư công. Rất mong các nhà báo cùng các bộ, ngành theo dõi giám sát hết sức chặt chẽ tiến bộ chương trình, từng bước, xong bước nào đến bước tiếp theo, không nên quá sốt ruột.

TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 - Ảnh 8.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn: Mức học phí, lộ trình tăng học phí phải phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, chia sẻ khó khăn với người dân, khả năng đóng góp của người dân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn: Theo quy định của luật, Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ ban hành quy định về khung học phí. Trước đây chúng ta có Nghị định 86, hiệu lực đến hết năm học 2020-2021.

Năm 2021, chúng tôi tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 81 quy định khung học phí của các cơ sở giáo dục công lập từ năm 2021, 2022 trở đi. Vào thời điểm chuẩn bị ban hành, dịch dã tương đối phức tạp, Bộ đã đề xuất và được giữ nguyên học phí năm học 2021-2022 như năm 2020-2021.

Về khung học phí đối với các năm học tiếp theo, đối với giáo dục phổ thông thì năm 2022 khung học phí đã đưa cụ thể trong Nghị định 81. Từ các năm sau trở đi, HĐND các địa phương căn cứ tình hình cụ thể về điều kiện kinh tế xã hội, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, đặc điểm của địa phương, khả năng đóng góp thực tế của người dân… để quyết định khung học phí hoặc mức học áp dụng tại địa phương cho mầm non và giáo dục phổ thông; mức này quy định không quá 7,5% /năm.

Theo lộ trình học phí dự kiến đến năm 2025 mới tính đủ chi phí cho cấp đại học, còn đối với giáo dục mầm non và phổ thông thì đến năm 2030 tính đủ chi phí, đã kéo dài trong chủ trương tại Nghị quyết 19 của Trung ương. Nghị định quy định khung học phí, mức trần, sàn, các địa phương quy định mức học phí theo khung học phí.

Mặc dù dịch dã đã đến thời gian trở lại bình thường, nhưng việc phục hồi kinh tế xã hội cần nhiều thời gian. Tại các địa phương còn nhiều gia đình khó khăn nên các địa phương công bố mức học phí. Còn ở các trường đại học mức độ tự chủ tài chính khác nhau.

Bộ đã có công văn ngày 23/5 gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc xác định mức học phí cũng như lộ trình tăng học phí phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, chia sẻ khó khăn với người dân, khả năng đóng góp của người dân. Bộ cũng tăng cường thanh tra kiểm tra khoản thu học phí của các cơ sở giáo dục để đảm bảo tuyệt đối không xảy ra lạm thu đầu năm học.

Trong buổi họp sáng nay, Bộ cũng được giao tiếp tục nghiên cứu để xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng học phí, đặc biệt nghiên cứu toàn diện tác động của việc tăng học phí tới các đối tượng khác nhau, nhất là đối với học sinh sinh viên, gia đình khó khăn. Trên cơ sở đó đề xuất Chính phủ có những biện pháp hỗ trợ cần thiết. Cái này cần có đánh giá kỹ tác động đối với các bậc học khác nhau để có đề xuất phù hợp. Bộ cũng tiếp tục có những hướng dẫn để trong khung đó, các địa phương, các cơ sở đại học theo tình hình cụ thể có điều chỉnh cho phù hợp với từng trường, từng địa phương, khả năng chi trả của người dân, nhu cầu tổ chức dạy và học trong tình hình mới.

Tin mới

"Gà đẻ trứng vàng" của VinFast đến tay khách Indonesia, hãng xe Việt chạy nước rút bàn giao 80.000 chiếc
6 giờ trước
Mở rộng và thu hút tại nhiều thị trường cùng với kỷ lục về doanh số trong các tháng cho thấy VinFast đang bứt tốc cho mục tiêu 80.000 xe bàn giao cho khách hàng đến cuối năm nay.
Phụ phẩm tôm lâu nay toàn bỏ đi hóa ra giá trị cả tỷ USD
4 giờ trước
Với sản lượng hàng trăm nghìn tấn mỗi năm, phụ phẩm tôm đem chế biến sâu sẽ cho ra những sản phẩm có giá trị cao gấp nhiều lần, mang về cả tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế hiện giá trị phụ phẩm tôm mang lại còn quá khiêm tốn, hiện 70% chỉ dành cho chăn nuôi.
Chủ xe Defender lái 7.000km xuyên Việt Nam - Thái Lan: ‘Chạy địa hình sướng, có đoạn vượt 4.000 khúc cua, vẫn còn điểm bất tiện’
3 giờ trước
Anh Nguyễn Hoàng Anh - Chủ nhân chiếc Porsche 911 Dakar đầu tiên Việt Nam, vừa hoàn thành chuyến đi từ Việt Nam qua Lào rồi Thái Lan bằng chiếc Defender.
Hiện tượng lạ thường về xuất khẩu cà phê Việt Nam
3 giờ trước
Hiện tượng khác thường là giá cà phê tăng cao nhưng sản lượng xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân vì sao?
Đại biểu Quốc hội đề xuất lùi thời gian đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với bia
2 giờ trước
Theo Đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp phải có thời gian nhất định để cơ cấu lại sản phẩm, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia ngay từ 2026 thì không hợp lý.

Bảng giá cập nhật trực tuyến

Dầu thô Brent

BRENT CRUDE

1.910.379 VNĐ / thùng

75.16 USD / bbl

1.25 %

+ 0.93

Dầu thô WTI

WTI CRUDE OIL

1.811.251 VNĐ / thùng

71.26 USD / bbl

1.65 %

+ 1.16

Khí tự nhiên US

NATURAL GAS US

2.153.604 VNĐ / m3

3.13 USD / mmbtu

6.35 %

- 0.21

Than đá

COAL

3.596.576 VNĐ / tấn

141.50 USD / mt

0.00 %

- 0.00

» Xem tất cả giá Năng lượng

Tin cùng chuyên mục

Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
2 giờ trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
3 giờ trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh nghiệp muốn tự quyết giá xăng dầu hoàn toàn, Bộ Công Thương nói gì?
16 giờ trước
Nếu Nhà nước không có công cụ kiểm soát giá xăng dầu, có thể gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung và hiện tượng thiếu hàng, sốt giá ở vùng sâu, vùng xa
Trừng phạt của phương Tây "như muối bỏ bể", doanh thu từ dầu khí của Nga vẫn tăng đều, dầu Moscow "biến hình" không ngừng chảy vào châu Âu
19 giờ trước
Nga đã tận dụng 3 "lỗ hổng" khiến những lệnh trừng phạt của phương Tây trở nên thất bại.