Cuộc gặp do Văn phòng Chính phủ (VPCP) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam(VCCI) tổ chức.
Cùng dự cuộc gặp mặt có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương.
Đặc biệt, dự cuộc gặp mặt có 72 đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã thuộc các thành phần kinh tế.
Ngày doanh nhân Việt Nam năm nay được kỷ niệm trong bối cảnh khác với mọi năm, chúng ta phòng chống đại dịch trên phạm vi cả nước. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Phát biểu khai mạc Hội nghị, nhân ngày truyền thống của đội ngũ doanh nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, bày tỏ mong muốn đội ngũ các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục lớn mạnh, trưởng thành, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngày doanh nhân Việt Nam năm nay được kỷ niệm trong bối cảnh khác với mọi năm, chúng ta phòng chống đại dịch trên phạm vi cả nước. Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới phát triển kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được những thành tích, thành tựu quan trọng, tích cực suốt đầu năm tới nay về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội và nhất là kết quả chống dịch vừa qua. Trên phạm vi cả nước, chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh theo các tiêu chí của Bộ Y tế, dù trải qua thời gian hết sức khó khăn, nhất là tại các tâm dịch như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và một số tỉnh phía nam. Đây là sự cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có sự cố gắng và đóng góp rất quan trọng của đội ngũ doanh nhân. "Xin gửi lời cảm ơn, tri ân tới tất cả hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân có mặt hôm nay cũng như nhiều người vì nhiều lý do khác nhau không có mặt tại Hội trường này", Thủ tướng nói.
Sự kiện hôm nay một mặt thể hiện tình cảm nhân ngày truyền thống của đội ngũ doanh nhân, thể hiện tri ân, ghi nhận, đánh giá của nhân dân, Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, đồng thời tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp, xây dựng, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, trên cơ sở đó, tiếp tục có chủ trương, chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, thay mặt cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhìn nhận, năm 2021 được đánh dấu bằng những khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều DN đối mặt với đứt gãy sản xuất, đứt gãy thị trường, đứt gãy dòng tiền và lao động. Chủ tịch VCCI bày tỏ, chính trong thời điểm khó khăn này, cộng đồng doanh nhân, DN vô cùng ấm lòng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ. Cách đây hơn 2 tuần lễ, vào ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến lắng nghe ý kiến các DNDN 63 tỉnh, thành phố để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trong bối cảnh COVID-19; sau hội nghị nhiều giải pháp cụ thể hỗ trợ DN đã được triển khai. Và hôm nay, nhân kỷ niệm 17 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Thủ tướng tiếp tục gặp gỡ, động viên đại diện giới doanh nhân Việt Nam.
Ông Phạm Tấn Công khẳng định, khi đại dịch COVID-19 đang gây khó khăn to lớn cho hoạt động của các DN, giới doanh nhân Việt Nam vẫn vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ. Những chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt của Thủ tướng, sự vào cuộc sâu sát, rốt ráo của các bộ trưởng, đặc biệt là chủ trương mới đây của Chính phủ về chuyển trạng thái sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19", về quyết tâm vừa duy trì sản xuất kinh doanh an toàn, vừa chống dịch hiệu quả, khôi phục kinh tế khiến cộng đồng DN rất phấn chấn. Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/09/2021 về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 cùng với một loạt các giải pháp, chính sách được chính phủ và các bộ, ngành đưa ra linh hoạt, mau lẹ giúp các DN đang khó khăn cảm nhận được quyết tâm, nỗ lực hỗ trợ DN của Chính phủ. Thực tế, chỉ trong thời gian ngắn hơn 1 tháng, Thủ tướng đã có một loạt cuộc gặp gỡ cộng đồng DN, lắng nghe phản ánh những khó khăn, những đề xuất, kiến nghị của DN.
Tại cuộc gặp gỡ nhân ngày vui chung của cộng đồng doanh nhân, DN, Chủ tịch VCCI thay mặt giới doanh nhân gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Thủ tướng và các lãnh đạo các bộ, ngành về những hỗ trợ cho DN trong bối cảnh COVID-19. Ông Công cũng bày tỏ tin tưởng và mong rằng, các giải pháp, chính sách đã đề ra sẽ được quyết liệt triển khai, phản hồi của các DN về các vướng mắc trong tiếp cận các cơ chế, chính sách mới sẽ được lắng nghe, kịp thời gỡ bỏ.
"Quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều năm, vì vậy, các DN cũng mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng được ổn định và có thời hạn phù hợp. Các DN cũng mong muốn Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng; nâng cao trách nhiệm giải trình, đối thoại của các cơ quan Nhà nước để tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp. Đặc biệt, các DN mong chờ và kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các DN, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi của mình. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn được đóng góp trí tuệ vào chương trình phục hồi tổng thể cấp quốc gia cũng như ở các ngành, các địa phương", ông Phạm Tấn Công chia sẻ.
Cho rằng hành trình phía trước để đưa Việt Nam sánh vai các quốc gia phát triển vào năm 2045 còn rất nhiều chông gai, thách thức, Chủ tịch VCCI khẳng định, cộng đồng DN xác định "trong nguy có cơ", lấy dịch COVID-19 là cơ hội, là động lực để nâng cao năng lực quản trị, khả năng ứng phó với các biến động của thị trường, thực hiện chuyển đổi số, cơ cấu lại lực lượng lao động theo hướng bền vững.
"Đường đến vinh quang bao giờ cũng nhiều chông gai. Nhưng lửa thử vàng, gian nan thử sức, cộng đồng DN VN xin bày tỏ tinh thần đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm cùng Chính phủ vượt qua đại dịch, đồng hành vượt qua mọi khó khăn như câu chuyện lịch sử Tuần lễ vàng 76 năm trước; quyết duy trì và phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, giữ vững cơ đồ, vị thế mới của đất nước, thực hiện cho được mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 và khát vọng của dân tộc xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra", ông Phạm Tấn Công khẳng định.
Các doanh nghiệp tham dự buổi gặp mặt. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bà Nguyễn Thị Nga cho rằng, việc chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là đúng đắn, cần thiết, đồng thời đánh giá cao những chỉ đạo, quyết liệt sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng sẽ giúp các địa phương khôi phục và thúc đẩy sản xuất, với chiến lược cách ly hẹp nhất nhưng chặt nhất như tại Phủ Lý, Hà Nam, hạn chế ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeAbank), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, đánh giá: Trong hai năm qua, đất nước ta đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách, kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết của các giai tầng trong xã hội trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội đạt nhiều kết quả.
Bà Nga cho rằng, những lời hiệu triệu, kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những sáng kiến lập Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19; sáng kiến Sóng và máy tính cho em…. Chủ tịch Tập đoàn BRG khẳng định đây là những chương trình rất nhân văn, đi vào lòng người, được cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực tham gia, trong đó Tập đoàn BRG đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng với các trang thiết bị cho phòng chống dịch. " Cộng đồng doanh nghiệp cam kết nỗ lực hết mình, mang hết "Tâm-Tài -Trí –Tín" để đóng góp xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng đất nước và phòng chống dịch COVID-19". bà Nguyễn Thị Nga khẳng định. Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC thay mặt hơn 50.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin và 3.600 cán bộ, công nhân viên của công ty bày tỏ tri ân các lực lượng tuyến đầu ngày đêm quên mình, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, sự vào cuộc, đồng lòng của người dân trong phòng chống dịch. Người dân và danh nghiệp rất tin tưởng vào chiến lược chống dịch của Chính phủ. Cho biết ngành công nghệ thông tin đã có nhiều đóng góp vào phòng chống dịch và vẫn có tăng trưởng khá trong những tháng đầu năm 2021, ông Chính khẳng định công nghệ và chuyển đổi số sẽ là xu thế trong thời gian hậu COVID-19. Việt Nam đã có chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin. Đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam là cứ điểm cung cấp công nghệ số toàn cầu như Samsung xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Ông Chính bày tỏ mong muốn mở cửa trở lại an toàn nhanh nhất có thể để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; giao các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước đầu tư các dự án hạ tầng số quy mô lớn…
Phát biểu tại buổi gặp mặt, bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, cho biết: Trong nhiều năm qua, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hình ảnh, khát vọng dân tộc đánh thức tiềm năng, sức sáng tạo của nữ doanh nhân.
Nhắc lại những ngày giãn cách căng thẳng nhất vừa qua khi đại dịch gây ra sự khủng hoảng chưa từng có, bà Thái Hương cho rằng, ngay khi dịch bùng phát, Chính phủ và các bộ, ngành đã vào cuộc, lấy sức khỏe, an toàn của người dân làm trọng tâm để đưa ra các quyết sách. Chính phủ luôn cầu thị, lắng nghe, ý kiến của người dân, tham khảo những mô hình phòng chống dịch có hiệu quả trên thế giới. Dịch bùng phát nhanh, nghiêm trọng nhưng Chính phủ đã làm mọi cách trong điều kiện có thể.
"Sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành thực sự đã truyền cảm hứng cho giới doanh nhân. Đến giờ hình ảnh áo sơ mi Thủ tướng đẫm mồ hôi khi chỉ đạo phòng chống dịch ở Bình Dương hay hình ảnh những y bác sĩ, công an, bộ đội ăn bữa cơm vội vàng… đã đánh thức chúng tôi nỗ lực cống hiến, vượt khó khăn, thách thức, phát triển bền vững…", bà Thái Hương xúc động chia sẻ.
Đánh giá cao việc liên tiếp trong tháng 8 và 9, Thủ tướng đã tổ chức 2 Hội nghị lớn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thành lập Tổ công tác đặc biệt xử lý nhanh, triển khai hỗ trợ doanh nghiệp…, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP cuối năm 3% là khả thi.