Tuần giao dịch 17-21/8, thị trường chứng khoán diễn biến có phần tích cực khi cả 3 chỉ số đều ghi nhận mức tăng điểm. VN-Index tăng 4,04 điểm (0,5%) lên 854,78 điểm; HNX-Index tăng 4,95 điểm (4,25%) lên 121.18 điểm; UPCoM-Index tăng 0,65 điểm (1,1%) lên 57,39 điểm.
Phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều có diễn biến tích cực trong tuần giao dịch vừa qua. Nhóm ngành nguyên vật liệu có mức tăng mạnh nhất với các mã tiêu biểu như HPG (1%), HSG (4%), NKG (4,1%), DPM (10%), DCM (4,9%)...Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngành dược phẩm hay ngân hàng cũng tăng khá tốt với DHG (3,1%), IMP (5,3%), DCL (7,8%), VCB (1,1%), CTG (3,4%), VPB (2,3%), TCB (2,8%), ACB (8,9%), SHB (7,2%).
Điểm đáng chú ý trong tuần từ 17-21/8 là dòng tiền có phần tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Tăng giá
Trên sàn HoSE, cổ phiếu HAP của Tập đoàn Hapaco ( HoSE: HAP ) tiếp tục gây bất ngờ khi tăng đến gần 40% chỉ sau một tuần giao dịch. HAP đã có trọn vẹn cả 5 phiên tăng trần trong tuần. Nếu tính rộng hơn, HAP đã tăng trần trong 12 phiên liên tiếp với mức tăng 122% từ chỉ 3.050 đồng/cp lên thành 6.770 đồng/cp. Hapaco cũng vừa có công văn giải trình diễn biến cổ phiếu liên tục tăng trần (10 phiên) trên thị trường từ ngày 6-19/8/2020. Chi tiết, Công ty cho biết giá cổ phiếu HAP tăng trần 10 phiên liên tiếp là do việc cung cầu của thị trường, quyết định mua bán cổ phiếu là do các nhà đầu tư quyết định nằm ngoài kiểm soát của tập đoàn. Tập đoàn khẳng định không có sự tác động đến giá giao dịch trên thị trường.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.
Tiếp theo sau là cổ phiếu SAV của Savimex ( HoSE: SAV ) với mức tăng 32,3%. Trong tuần, SAV đã có 4 phiên tăng trần liên tiếp, giá cổ phiếu tăng từ 8.390 đồng/cp lên thành 11.100 đồng/cp. Mới đây, HĐQT Savimex đã công bố đơn từ nhiệm của Chủ tịch HĐQT Trần Như Tùng, thay vào đó, thông qua việc bầu ông Lee Eun Hong - Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT từ 19/8.
Cổ phiếu EMC của Cơ điện Thủ Đức ( HoSE: EMC ) là mã tiếp theo ở sàn HoSE tăng giá trên 30% chỉ sau một tuần giao dịch. Theo đó, EMC tăng từ 12.700 đồng/cp lên thành 16.550 đồng/cp tương ứng mức tăng 30,3%. Tuy nhiên, thanh khoản của EMC luôn duy trì ở mức thấp.
Đối với sàn HNX, không có cổ phiếu nào tăng giá trên 30%, trong khi đó đứng đầu mức tăng giá là cổ phiếu LIG của Licogi 13 ( HNX: LIG ) với 26,7%. Công ty mới thông qua phương án phát hành riêng lẻ cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Theo đó Licogi 13 phát hành riêng lẻ 21,3 triệu cổ phiếu cho các nhà chiến lược với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị phát hành theo mệnh giá 213 tỷ đồng. Dự kiến sau phát hành LIG sẽ tăng vốn điều lệ từ gần 436 tỷ đồng hiện nay lên gần 649 tỷ đồng. Với số tiền thu được, công ty sẽ dùng 160 tỷ đồng để góp vốn vào các công ty thực hiện các dự án năng lượng (gồm 3 công ty) và dành 53 tỷ đồng còn lại bổ sung vốn lưu động để tăng khả năng thanh toán, giảm nợ vay.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX. |
Các cổ phiếu tăng giá trên 20% ở sàn HNX còn SARA Việt Nam ( HNX: SRA ), PP.Pharco ( HNX: PPP ), Cảng Đà Nẵng ( HNX: CDN ), Tư vấn Đầu tư IDICO ( HNX: INC ) và Xi măng VICEM Hoàng Mai ( HNX: HOM ).
Trên UPCoM, có đến 2 cổ phiếu tăng giá trên 80% trong tuần giao dịch từ 17-21/8 là CQN của Cảng Quảng Ninh ( UPCoM: CQN ) và DAC của Viglacera Đông Anh ( UPCoM: DAC ). Trong đó, CQN tăng giá mạnh nhất thị trường với 83,6%, còn DAC tăng 83,3%. Cả 2 cổ phiếu này đều thuộc diên thanh khoản rất thấp, trong đó, CQN mới chỉ lên đăng ký giao dịch trên UPCoM hôm 18/8.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM. |
BMS của Chứng khoán Bảo Minh ( UPCoM: BMS ) và CTN của VINAVICO ( UPCoM: CTN ) cũng đều tăng giá trên 50%.
Giảm giá
Sau tuần tăng mạnh trước đó, cổ phiếu VPS của Thuốc sát trùng Việt Nam ( HoSE: VPS ) trở thành mã giảm mạnh nhất sàn HoSE từ từ 17-21/8 với 30,2%. Tiếp theo, cổ phiếu DAT của ĐT Du lịch và PT Thủy sản ( HoSE: DAT ) sau quãng thời gian tăng không "biết mệt" đã điều chỉnh giảm 25% với 4 phiên bị kéo xuống mức giá sàn trong tuần qua. DAT bắt đầu chuỗi giảm giá từ phiên 13/8, trước đó, cổ phiếu này đã có đến 39 phiên tăng trần liên tiếp từ mức chỉ 6.820 đồng/cp leo lên đến 92.100 đồng/cp.
Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE. |
Trong khi đó, cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn HNX là VTL của Vang Thăng Long ( HNX: VIG ) với 24,3% từ 18.500 đồng/cp xuống 14.000 đồng/cp. Tiếp sau đó, PDC của Dầu khí Phương Đông ( HNX: PDC ) và CET của Tech - Vina ( HNX: CET ) giảm lần lượt 20,5% và 18,4%. Điểm chung của cả 3 cổ phiếu này đều có có thanh khoản luôn duy trì ở mức rất thấp.
Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX. |
Đối với sàn UPCoM, có 2 cổ phiếu giảm giá trên 40% sau một tuần giao dịch đó là PMT của Telvina Việt Nam ( UPCoM: PMT ) và VIH của Viglacera Hà Nội ( UPCoM: VIH ), trong đó, PMT giảm 47% còn VIH giảm 43,6%. Cả 2 cổ phiếu này thường xuyên rơi vào tình trạng không có giao dịch hoặc thanh khoản rất thấp.
Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM. |
|