Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính:
(1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất;
(2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng;
(3) Khảo sát các đối tượng liên quan được thực hiện trong tháng 10-11/2022.
C.P Việt Nam tiếp tục dẫn đầu, Tập đoàn Hà Lan bứt phá vượt nhiều tên tuổi lớn
So với năm 2021, Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam - thành viên của C.P. Thái Lan vẫn bảo toàn vị trí số 1. Với chuỗi sản xuất khép kín "Feed – Farm – Food", C.P Việt Nam đã dẫn đầu về năng lực tài chính.
CJ Vina Agri - thành viên thuộc Tập đoàn CJ của Hàn Quốc cũng giữ nguyên được thứ hạng của năm 2021
De Heus - ông lớn từ Hà Lan có đột phá lớn khi từ top 5 năm ngoái vươn lên đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng. Trong năm 2021, De Heus đã mua lại 14 nhà máy thức ăn chăn nuôi và mảng thức ăn chăn nuôi từ Masan với giá ~340 triệu USD. Mới đây, tập đoàn và Hùng Nhơn tiếp tục kỷ kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược đến năm 2030.
Những gương mặt thăng hạng còn có Green Feed Việt Nam (từ top 6 lên top 4), Proconco (từ top 8 lên top 5), Mavin (từ top 9 lên top 7).
Ở chiều ngược lại, Japfa Comfeed và Dabaco rớt hạng. Đáng chú ý, Dabaco là đơn vị đạt chỉ số về uy tín truyền thông thấp nhất trong bảng xếp hạng. Còn xét về năng lực tài chính thì ngoài top 3 vượt trội hẳn, số còn lại tương đối đồng đều nhau.
Sunjin Vina góp mặt vào danh sách năm nay dù không xuất hiện ở thống kê năm ngoái. Doanh nghiệp này thuộc tập đoàn Harim từ Hàn Quốc.
Bức tranh ngành thức ăn chăn nuôi năm 2022
Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), nhu cầu về hàng hóa thực phẩm sẽ tăng 60% vào năm 2050; trong đó, nhu cầu về protein động vật sẽ tăng 1,7% mỗi năm.
Sản lượng thịt, thủy sản và các sản phẩm từ sữa cũng được kỳ vọng sẽ tăng. Nhu cầu thịt ngày càng tăng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường, tác động tích cực đến sự tăng trưởng của thị trường chăn nuôi, kéo theo đó là hoạt động sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Quy mô thị trường thức ăn chăn nuôi toàn cầu đạt 482,1 tỷ USD vào năm 2021, dự kiến sẽ đạt 589,4 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng (CAGR) là 3,5% trong giai đoạn 2022-2027 (theo IMARC).
Là quốc gia có nguồn nguyên liệu dồi dào, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển lĩnh vực, ngành hàng thức ăn chăn nuôi. Theo thống kê, tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu đậu tương, cám, bột cá…) cho toàn ngành chăn nuôi Việt Nam khoảng 33 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, nguồn cung trong nước chỉ đạt khoảng 13 triệu tấn/năm, chiếm 35%. Như vậy tức là Việt Nam phải nhập khẩu đến 65% từ thị trường bên ngoài. Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu trung bình 20-22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mỗi năm (bao gồm cả nguyên liệu dùng cho thủy sản).
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đạt trên 5 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường nhập khẩu mặt hàng này lớn nhất là Argentina (chiếm 29,8%), tiếp theo là Brazil (20,2%) và Hoa Kỳ (12,8%); trong đó, nhiều nhất là ngô và đậu tương. Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong 11 tháng, nhập khẩu ngô hơn 8,4 triệu tấn, trị giá gần 2,9 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kì năm trước.
Chính vì phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu nên những biến động trên thị trường quốc tế trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ tới ngành thức ăn chăn nuôi trong nước.
Vietnam Report cũng chỉ ra những khó khăn hàng đầu tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi; trong đó, phần lớn đến từ thị trường quốc tế như: Biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào; rủi ro từ chuỗi cung ứng; sức ép từ tỷ giá gia tăng; lạm phát tăng cao đột biến ở hầu hết các quốc gia; và Bất ổn chính trị trên thế giới…
Cùng với đó, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp là thách thức hàng đầu mà ngành thức ăn chăn nuôi trong nước đang đối mặt.