Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 2,8%, đóng góp 2,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung; sản xuất và phân phối điện tăng 5,1%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 4,6%, làm giảm 0,7 điểm phần trăm.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong tháng 01/2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Alumin tăng 35,7%; thép thanh, thép góc tăng 20,3%; sữa bột tăng 16,2%; phân hỗn hợp NPK tăng 15,6%; bột ngọt tăng 15,4%; thủy hải sản chế biến tăng 13,8%; ô tô tăng 11,7%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 8,7%.
Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Tivi giảm 33,5%; đường kính giảm 29,4%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 11,7%; linh kiện điện thoại giảm 9,3%; dầu mỏ thô khai thác giảm 7,5%; khí hóa lỏng LPG giảm 6,2%; bia giảm 3,6%.
Xét theo địa phương, IIP tháng 1/2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 52 địa phương và giảm ở 11 địa phương trên cả nước. Đáng chú ý, Kiên Giang là địa phương đứng đầu cả nước về tốc độ phát triển sản xuất ngành công nghiệp tháng 1/2022, với mức tăng IIP đạt 29,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng IIP tháng 1/2022 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương (%). Nguồn: GSO.
Xếp thứ hai là Bình Phước với chỉ số IIP tháng 1/2022 tăng 34,5% so với cùng kỳ. Theo sau là các địa phương như Hậu Giang (33,6%), Kon Tum (28%), Bắc Giang (26,4%)...
Ở chiều ngược lại, trong tháng 1/2022, TPHCM là địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm sâu nhất cả nước, với mức giảm khoảng 9,4% só với cùng kỳ năm 2021. Một số địa phương khác cũng có IIP giảm so với cùng kỳ là Bến Tre, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, với mức giảm tương ứng lần lượt là 7,3%, 6,2% và 3,9%.
Nếu so sánh với tháng 12/2021, chỉ số IIP tháng 1/2022 của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn giảm mạnh là: Hải Phòng giảm 8,4%; Hà Nội giảm 8,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 6,8%; Bắc Ninh giảm 6,6%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 6,2%; Thái Nguyên giảm 5,4%; Quảng Ninh giảm 2,3%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/1/2022 tăng 0,7% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 0,3% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% và giảm 2,8%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,4% và giảm 1,2%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,9% và tăng 0,6%.
Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,2% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 0,9% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,7% và giảm 0,2%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 0,2% và giảm 2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,6% và tăng 0,7%.