Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 và kết quả kinh doanh được công bố bởi các ngân hàng, 10 ngân hàng cho vay nhiều nhất năm 2021 có tổng dư nợ là 6,93 triệu tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm trước đó.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, năm 2021 dư nợ của cả nền kinh tế đạt 10,38 triệu tỷ đồng, tăng 12,97% so với mức 9,18 triệu tỷ năm trước. Như vậy, chỉ riêng top 10 này đã chiếm đến 66,7% dư nợ cho vay nền kinh tế.
Những cái tên trong top 10 năm nay vẫn là những cái tên cũ, tuy nhiên thứ hạng thì có thay đổi lớn đến từ MB.
Khối Big 4 (BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank) vẫn là nhóm có dư nợ lớn nhất với tổng cộng 4,75 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 11,14%, chiếm hơn 45,8% trong tỷ trọng dư nợ của nền kinh tế. Dù tăng tốt nhưng so với năm 2020, tỷ trọng của nhóm Big4 đã giảm 0,76 điểm %.
Trong đó, BIDV vẫn giữ vững "ngôi vương" với dư nợ lên đến gần 1,35 triệu tỷ, tăng trưởng 12%. Agribank tuy vẫn ở top 2 nhưng tăng trưởng có phần yếu hơn so với các ngân hàng khác, tăng khoảng 8%, dư nợ đạt mức 1,31 triệu tỷ.
VietinBank có dư nợ đạt 1,13 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 11%. Vietcombank tuy có dư nợ nhỏ nhất nhóm Big 4 nhưng lại là ngân hàng có mức tăng trưởng dư nợ mạnh nhất với 14%. Kết thúc năm 2021, Vietcombank có dư nợ cho vay khách hàng đạt 961 nghìn tỷ.
Ở vị trí thứ 5, Sacombank có tổng dư nợ gần 388 nghìn tỷ, tăng trưởng 14%.
Đáng chú ý, dư nợ cho vay khách hàng của MB năm qua đạt mức 364 nghìn tỷ đồng, tăng gần 22% và vượt qua cả ACB, SHB để trở thành ngân hàng cho vay nhiều thứ 6 trong hệ thống.
SHB vẫn giữ nguyên thứ hạng số 7 như năm 2020, với dư nợ đạt 362 nghìn tỷ, tăng 19%.
ACB mặc dù cũng ghi nhận sự tăng trưởng dư nợ lên đến 16% nhưng lại không mạnh mẽ như SHB và MB, do đó bị đẩy xuống vị trí thứ 7, thế chỗ cho MB năm 2020, với dư nợ 357 nghìn try đồng.
Mặc dù Techcombank và VPBank chỉ xếp cuối về dư nợ cho vay trong top 10 nhưng đây lại là 2 ngân hàng có tốc độ tăng trưởng dư nợ lớn nhất trong nhóm này, lần lượt là 25% và 22%. Kết thúc năm 2021, dư nợ cho vay khách hàng của Techcombank là 347 nghìn tỷ, VPBank là 355 nghìn tỷ.
Những năm gần đây, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng bị giới hạn bởi chỉ tiêu từ Ngân hàng Nhà nước. Năm 2021, nhiều ngân hàng phải xin nới room tới 2-3 lần sau khi đã dùng hết quota.
Được biết năm qua TPBank là ngân hàng được cấp room tín dụng lớn nhất với 23,4%. Một số ngân hàng trong bảng xếp hạng trên cũng đã được cấp room tín dụng ở mức khá tốt, như Vietcombank (15%), ACB (13,1%), VietinBank (12,5%), BIDV (12%).
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 làm giảm sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, song các ngân hàng đã linh hoạt hơn khi chọn một hình thức khác để có thể tiếp tục mở rộng tín dụng đó là trái phiếu doanh nghiệp. Thông qua kênh này, các ngân hàng có thể cho vay với lãi suất cao hơn, qua đó cải thiện được NIM. Một số cái tên nổi bật có sự gia tăng mạnh mẽ tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp có thể kể đến như MB, Techcombank, TPBank, VPBank, MSB.