Theo công bố của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tổng lượng gạo sản xuất toàn cầu đạt 521,52 triệu tấn trong mùa vụ 2023/2024, cao hơn 1% so với mùa vụ 2022/2023. Trung bình 10 năm, 2014-2023, thế giới sản xuất 500,4 triệu tấn gạo.
Cũng theo dữ liệu từ cơ quan trên, Trung Quốc dẫn đầu về sản xuất gạo, 144,62 triệu tấn trong mùa vụ 2023/2024, chiếm 28% lượng gạo sản xuất toàn cầu.
Ấn Độ đứng thứ hai, đạt hơn 137 triệu tấn, chiếm 26% sản lượng toàn cầu. Bangladesh xếp thứ 3, chiếm 7%, tương đương 37 triệu tấn.
5 nước xếp tiếp theo đều các quốc gia ASEAN: Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Myanmar. Cụ thể, Indonesia sản xuất được 33,02 triệu tấn gạo. Việt Nam xếp sau, đứng thứ 5 toàn cầu về lượng gạo sản xuất, 26,63 triệu tấn, tương đương 5%.
Thái Lan và Philippines lần lượt sản xuất được 20 triệu tấn (4%) và 12,33 triệu tấn (2%). Myanmar ghi nhận lượng gạo sản xuất đạt 11,9 triệu tấn, khoảng 2%.
Pakistan và Nhật Bản mỗi nước chiếm 2% và 1%, lần lượt đạt 9,87 triệu tấn và 7,3 triệu tấn gạo trong mùa vụ 2023/2024.
Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, thu về 4,37 tỷ USD chỉ trong 9 tháng năm 2024. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo xuất khẩu tăng 9,2%, còn giá trị tăng mạnh 23,5%.
Nhưng ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu gạo của nước ta cũng tăng mạnh. Lũy kế 9 tháng năm nay, nước ta đã chi 996 triệu USD để nhập khẩu các mặt hàng gạo về phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nội địa, tăng mạnh 57,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây cũng là con số cao kỷ lục lịch sử, đồng thời vượt xa kim ngạch nhập khẩu 860 triệu USD của cả năm 2023.
Giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam trong 9 tháng năm nay ở mức 624 USD/tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, theo ghi nhận từ các doanh nghiệp, giá gạo nhập khẩu về đến Việt Nam phổ biến trong khoảng 480-500 USD/tấn.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 sẽ tiếp tục khởi sắc và có thể đạt 5 tỷ USD do nguồn cung trên thị trường thế giới hạn chế, trong khi nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia có xu hướng tăng.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Tùng cho biết: Tổng diện tích gieo trồng lúa 3 vụ/năm ở Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 ước khoảng 3,8 triệu ha, sản lượng lúa hơn 24 triệu tấn, năng suất hơn 63 tấn/ha. Chỉ tính riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích sản xuất lúa giảm hơn 16.000 ha so với năm 2023, nhưng sản lượng lại tăng hơn 11.000 tấn, bảo đảm cho tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Đặc biệt, trong năm 2024, một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai hiệu quả đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; kết quả vừa giúp nông dân tăng lợi nhuận hơn 20%, vừa giảm phát thải 5 - 10 tấn CO2 tương đương/ha so với ngoài mô hình.
Thông tin về tình hình triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long (đề án), ông Lê Thanh Tùng chia sẻ, đến nay Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai 7 mô hình (tổng cộng 333,5 ha) trong vụ hè thu 2024 tại 5 tỉnh, thành phố là Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang.
Năm 2023 xuất khẩu gạo Việt Nam lập kỷ lục về sản lượng, năng suất với kim ngạch xuất khẩu 4,78 tỷ USD, tăng 36,6% so với năm trước; là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.
Gạo Việt Nam có nhiều giống được đánh giá chất lượng hàng đầu thế giới. Chẳng hạn, Việt Nam đã có bộ giống lúa thơm ngắn ngày, mỗi năm có thể sản xuất 2 - 3 vụ, năng suất cao và gạo dẻo thơm. Đây là bộ giống mà các nước sản xuất, xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan... không có.
Hiện nay ngành lúa gạo Việt Nam đã nâng cao vị thế, mở rộng thị trường tới hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Úc, khu vực Trung Đông cũng đang có xu hướng ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam.