Theo thông tin từ Chi hội Thẻ - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, doanh số sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế tăng 27%/năm giai đoạn 2018-2020; tính đến 30/6/2021, đạt 245.662 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ. Top 5 ngân hàng chiếm thị phần cao nhất bao gồm: Sacombank (32%), Techcombank (18%), VietinBank (10%), ACB (9%), Vietcombank (8%).
Về doanh số sử dụng thẻ tín dụng quốc tế tăng mạnh trong giai đoạn 2018-2020 (tốc độ tăng trưởng 33%/năm). Tính đến 30/6/2021, doanh số sử dụng thẻ tín dụng quốc tế tăng 32% so với cùng kỳ, đạt 219.611 tỷ đồng. Top 5 ngân hàng dẫn đầu thị phần bao gồm: TPBank (17%), VPBank (16%), Techcombank (15,7%), VIB (8%), Sacombank (6%).
Về doanh số thanh toán thẻ quốc tế của các tổ chức thành viên, 6 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh so với cùng kỳ, đạt 474.969 tỷ đồng, tăng 55% (trong khi tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018-2021 chỉ đạt 19%/năm). Top 5 ngân hàng chiếm thị phần lớn nhất là: Sacombank (22%), Techcombank (16%), VietinBank (14%), Vietcombank (11%) và BIDV (8%).
Như vậy, nếu như ở mảng thẻ nội địa, các "ông lớn" như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank chiếm thị phần cao nhất thì ở mảng thẻ quốc tế lại chủ yếu là các ngân hàng tư nhân.
Có thể thấy, trong thời gian qua, bên cạnh các app ngân hàng số, ngân hàng điện tử,...thì mảng thẻ ngân hàng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi ứng dụng nhiều công nghệ mới. Thẻ ngân hàng không còn chỉ dùng để rút tiền như trước đây mà hiện nay được sử dụng nhiều hơn để chi tiêu, thanh toán. Các sản phẩm thẻ tín dụng cũng ngày càng đa dạng hơn, giúp người dùng có thể chi tiêu trước, trả sau.
Chẳng hạn, OCB đang đẩy mạnh mảng thẻ tín dụng trong thời gian gần đây. Hiện ngân hàng này đang có tới 10 dòng thẻ tín dụng khác nhau, dành cho từng nhóm khách hàng với nhu cầu chi tiêu, thanh toán phù hợp. Ví dụ, ngân hàng này có thẻ OCB Mastercard Lifestyle – sản phẩm thẻ dành riêng cho giới trẻ. Thẻ sử dụng công nghệ thanh toán không tiếp xúc, được miễn lãi thanh toán lên tới 55 ngày. Khách hàng sử dụng thẻ để thanh toán có thể được hoàn 5% cho các giao dịch liên quan đến du lịch như vé máy bay, khách sạn,…
Mới đây, nhà băng này đã ký kết thỏa thuận hợp tác tiếp tục xây dựng các chương trình ưu đãi, hỗ trợ tăng thêm số lượng thẻ tín dụng sử dụng tại các kênh giao dịch hiện có của mỗi bên. Trước đó, vào tháng 3/2021, OCB đã phối hợp với NAPAS cho ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng nội địa theo tiêu chuẩn VCCS.
Tại VietinBank, với riêng khách hàng cá nhân đã có tới hơn 20 dòng thẻ tín dụng, bao gồm cả thẻ tín dụng nội địa, thẻ tín dụng quốc tế, thẻ đồng thương hiệu. Trong đó, gần đây nhất, ngân hàng này đã cho ra mắt Thẻ đồng thương hiệu Mastercard Platinum VietinBank Sendo gồm thẻ Ghi nợ Quốc tế và Tín dụng Quốc tế với ưu đãi "khủng". Theo đó, khách hàng được hoàn 1% không giới hạn cho mọi giao dịch chi tiêu, mua sắm trên Sendo, tặng mã vận chuyển trọn đời lên tới 20.000 đồng/mã, giảm 20% cho các giao dịch chi tiêu các ngày trùng tháng, tối đa 2 lần/ngày cùng nhiều E-voucher khác với tổng trị giá lên tới 720.000 đồng/KH/năm. Để tiếp tục gia tăng trải nghiệm cho KH nhân dịp ra mắt, từ ngày 15/11/2021, VietinBank hoàn thêm 200.000 đồng cho KH khi sử dụng.
Không chỉ ưu đãi và lãi suất thấp, khách hàng có thể quản lý chi tiêu thẻ một cách chi tiết, tiện lợi thông qua App VietinBank iPay. Điều này giúp khách hàng có thể chủ động trong việc thanh toán, lên kế hoạch chi tiêu hàng tuần, hàng tháng.