BIDV – đứng đầu về tổng tài sản lớn nhất
Trong Top 5 ngân hàng Việt lớn nhất, tính đến hết quý II/2018, ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang có tổng tài sản lớn nhất hệ thống và đạt 1,268 triệu tỷ đồng, ngân hàng TNHH MTV Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chỉ đứng thứ 2 với 1,197 triệu tỷ đồng, thứ 3 là ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam ( Vietinbank ) 1,131 triệu tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được xếp vào Top 5 ngân hàng vì có tổng tài sản đứng thứ 5 trong hệ thống ở mức 477.591 tỷ đồng. So với các ngân hàng TMCP cùng quy mô là Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng chỉ có tổng tài sản là 400.686 tỷ đồng, Á Châu (ACB) là 309.968 tỷ đồng, Sài Gòn - Hà Nội (SHBank) là 303.929 tỷ đồng, Kỹ Thương (Techcombank) là 300.404 tỷ đồng.
Ngoài ra, so về dư nợ cho vay và tiền gửi khách hàng tại SCB cũng đang đứng thứ 5 trong hệ thống, đạt mức cho vay 298.381 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng đạt 362.929 tỷ đồng.
Với con số tuyệt đối về cho vay và tiền gửi khách hàng này, SCB cũng vượt trội so với 4 ngân hàng là Sacombank (cho vay 246.691 tỷ đồng – tiền gửi 355.860 tỷ đồng), ACB (cho vay 221.861 tỷ đồng – tiền gửi 267.801 tỷ đồng), Techcombank (cho vay 164.181 tỷ đồng – tiền gửi 186.283 tỷ đồng), SHBank (cho vay 208.360 tỷ đồng – tiền gửi 219.636 tỷ đồng).
Tuy nhiên, trong Top 5 ngân hàng lớn nhất, Agribank đang là ngân hàng có tiền gửi khách hàng lớn nhất với tổng tiền gửi khách hàng đạt 1,053 triệu tỷ đồng, tiếp đến là BIDV với 964.542 tỷ đồng. Vietinbank đứng thứ 3 và ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam ( Vietcombank ) đứng thứ 4.
Về cho vay, BIDV đang dẫn đầu về con số tuyệt đối với 929.167 tỷ đồng, thứ 2 là Agribank với 925.217 tỷ đồng, Vietinbank là 858.976 tỷ đồng, Vietcombank 606.052 tỷ đồng.
Vietinbank có vốn điều lệ lớn nhất, Vietcombank lãi nhất
Trong hệ thống, tính đến thời điểm 30/6/2018, vốn điều lệ của Vietinbank đang đứng đầu với 37.234 tỷ đồng, tiếp theo là Vietcombank là 35.977 tỷ đồng và BIDV là 34.187 tỷ đồng. Agribank chỉ đứng thứ 4 với 30.377 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, quá trình tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn tiếp theo để đáp ứng tiêu chuẩn Basel 2 buộc các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động. Đặc biệt, 3 "ông lớn" BIDV, Vietinbank và Vietcombank đang cấp thiết đề nghị Chính phủ xem xét cho tăng vốn, nếu được chấp thuận mức vốn của những ngân hàng này sẽ tăng mạnh và vượt xa Top ngân hàng tiếp theo đang ở mức 11.000 – 25.000 tỷ đồng.
Mặc dù, theo con số công bố trên báo cáo tài chính quý II/2018, vốn điều lệ của SCB đang là 14.294 tỷ đồng, so với các ngân hàng Sacombank có vốn điều lệ là 18.852 tỷ đồng, Techcombank là 26.126 tỷ đồng nhưng SCB vẫn được xếp vào Top 5 ngân hàng tính về thứ hạng tổng tài sản, cho vay và tiền gửi khách hàng đang rất lớn tại SCB.
Về lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2018, Vietcombank đang lãi nhất về con số tuyệt đối khi kiếm được 8.016 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, BIDV và Vietinbank đều có lợi nhuận trước thuế trên 5.000 tỷ đồng, thứ 4 là Agribank cũng đạt 3.796 tỷ đồng. Thấp nhất là SCB chỉ có 125 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế do ngân hàng này vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu sau khi hợp nhất.
SCB bất ngờ có nợ xấu thấp nhất Top 5
Báo cáo tài chính quý II/2018 của SCB ghi nhận ngân hàng này đang có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay ra chỉ chiếm 0,51%, tương ứng với con số 1.525 tỷ đồng.
Agribank đang có dư nợ tuyệt đối 20.160 tỷ đồng nợ xấu, lớn nhất trong Top 5 và tỷ trọng cũng lớn nhất khi ở mức 2,18%. Tiếp theo là BIDV với 13.837 tỷ đồng nợ xấu, 1,49%, Vietinbank đang có nợ xấu 11.203 tỷ đồng, 1,3% và Vietcombank có 6.981 tỷ đồng nợ xấu, tương ứng 1,15%.
Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước so sánh với Top 5 ngân hàng, ước tính tỷ trọng tổng tài sản của Top 5 chiếm khoảng 48%, tỷ trọng vốn điều lệ của Top 5 đang chiếm khoảng 29% và tỷ trọng cho vay của Top 5 đang chiếm khoảng 50% trong toàn hệ thống ngân hàng.