Theo báo cáo mới công bố của Tổng cục Thống kê về Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ 2020, xây dựng đường giao thông xã, thôn đã có sức lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng những năm 2016 - 2020.
Cụ thể, tại thời điểm 1/7/2020, tỷ lệ xã có đường ô tô từ trụ sở UBND xã đến trụ sở UBND huyện chiếm 99,67% tổng số xã khu vực nông thôn, tăng 0,24 điểm phần trăm so với năm 2016.
Trong đó, các xã miền núi đạt 100%, tăng 0,05 điểm phần trăm; các xã vùng cao đạt 99,90%, tăng 0,13 điểm phần trăm; các xã hải đảo đạt 70,59%, tăng 14,66 điểm phần trăm; các xã khác đạt 99,88%, tăng 0,29 điểm phần trăm.
Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trụ sở UBND xã trên địa bàn nông thôn cả nước so với tổng số thôn cũng tăng từ 93,69% năm 2016 lên 96,31% năm 2020.
Hai tỷ lệ tương ứng của Đồng bằng sông Hồng là 99,66% và 99,95%; Trung du và miền núi phía Bắc là 91,80% và 95,60%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 97,84% và 98,97%; Tây Nguyên 97,87% và 99,28%: Đông Nam Bộ 99,20% và 99,63%; Đồng bằng sông Cửu Long 74,51% và 84,34%.
Năm 2016, trên địa bàn nông thôn cả nước, 6 địa phương có tất cả số thôn có đường ô tô tới trụ sở UBND xã và tất cả các xã có đường ô tô tới trụ sở UBND huyện là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Đà Nẵng, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Năm 2020 đã thêm 10 địa phương, bao gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Phú Yên, Bình Thuận và Tây Ninh; nâng tổng số lên 16 địa phương. Nhiều xã còn có hệ thống giao thông kết nối với các tuyến xe buýt với 2.578 xã đã có điểm xe buýt dừng đón trả khách, chiếm 31,07% tổng số xã khu vực nông thôn.
Trên thực tế, hầu hết các địa phương ghi nhận tỷ lệ 100% có đường ô tô từ trụ sở UBND xã đến UBND huyện, ngoại trừ một số địa phương như Quảng Ninh, Kiên Giang, Hậu Giang, Khánh Hoà...
Cụ thể, Quảng Ninh có 91 xã với tỷ lệ đường giao thông từ trụ sở UBND xã đến UBND huyện thấp nhất, ở mức 92,86%. Tiếp đến là Kiên Giang với số xã là 110, tỷ lệ đường giao thông từ trụ sở UBND xã đến UBND huyện là khoảng 94%. Đáng chú ý, TP. HCM ghi nhận có 57 xã, với tỷ lệ đường giao thông từ trụ sở UBND xã đến UBND huyện khoảng 98,28%.
Báo cáo nhận định, sự kết nối liên thông của hệ thống giao thông nông thôn đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của dân cư; đồng thời thúc đẩy lưu thông hàng hóa, nhất là tiêu thụ nông, lâm, thủy sản ở những vùng chuyên canh, vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, vùng sâu, vùng xa.
Cùng với việc nâng cao tính kết nối, hệ thống giao thông nông thôn trong những năm 2016 - 2020 còn được đầu tư cải tạo, nâng cấp chất lượng, đặc biệt là rải nhựa, bê tông hóa mặt đường.
Tại thời điểm 1/7/2020, tỷ lệ xã có đường trục xã rải nhựa, bê tông so với tổng số xã khu vực nông thôn của cả nước đạt 99,16%, tăng 2,31 điểm phần trăm so với 01/7/2016. Tỷ lệ này của đường trục thôn đạt 96,36%, tăng 6,02 điểm phần trăm; đường ngõ xóm đạt 89,97%, tăng 12,62 điểm phần trăm.
Đáng chú ý là nhiều xã đã nhựa hóa, bê tông hóa hoàn toàn hệ thống đường trục xã, trục thôn và đường ngõ xóm. Tỷ lệ xã rải nhựa, bê tông toàn bộ đường trục xã của cả nước tăng từ 59,60% năm 2016 lên 79,32% năm 2020; đường trục thôn tăng từ 38,84% lên 58,88%; đường ngõ xóm tăng từ 27,26% lên 44,46%.
Nhiều tuyến đường nông thôn được cải tạo, nâng cấp rộng rãi, khang trang, được coi là "đại lộ nông thôn"; có cống rãnh thoát nước; có lề đường, vỉa hè trồng cây bóng mát, hoa và cây cảnh; có biển đề tên đường, biển báo giao thông và hệ thống đèn chiếu sáng.
Trong tổng số 8.297 xã khu vực nông thôn cả nước, năm 2020 đã có 6.287 xã có hệ thống đèn đường, chiếm 75,77% tổng số xã. Một số địa phương đã đầu tư xây dựng hệ thống đèn đường cho tất cả các xã trên địa bàn như: Nam Định, Đà Nẵng, Bình Dương, TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Vĩnh Long.