Một số nguồn tin cho biết hai bên đang tập trung đàm phán về một thiết bị được gọi là nacelle (tạm dịch: vỏ động cơ). Mỗi nacelle tượng trưng như một ngôi nhà trong đó chứa các thành phần của tuabin gió, bao gồm máy phát điện, hộp số, bộ truyền động và cụm phanh.
Một nhà máy của Toshiba ở Yokohama sẽ được sử dụng để sản xuất nacelle.
Các cuộc đàm phán giữa hai bên diễn ra vào thời điểm các công ty Nhật Bản đang gặp khó khăn trong sản xuất điện gió, có thể kể đến sự rút lui của Hitachi.
Chính phủ Nhật Bản coi các trang trại điện gió ngoài khơi là nguồn năng lượng tái tạo cốt lõi. Trong khi đó, các công ty châu Âu và Trung Quốc đang dẫn đầu thị trường toàn cầu.
Toshiba dự định mở rộng thị phần trong thị trường đang phát triển thần tốc này. Việc hợp tác với GE sẽ giúp hãng giảm chi phí.
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu nâng công suất phát điện của các trang trại điện gió ngoài khơi từ 20.000 kWh lên 45 triệu kWh vào năm 2040. Con số này tương đương với lượng điện do 30 nhà máy điện hạt nhân của Nhật tạo ra.
Nhật Bản là một trong những nơi đầu tiên bắt đầu chế tạo tuabin gió. Tuy nhiên, các công ty Nhật Bản không thể giành đủ thị phần để hoạt động có lãi khiến họ phải lao vào trò chơi đuổi bắt với các đối thủ lớn khác.
Ngoài Hitachi, Japan Steel Works cũng là một cái tên đã rời khỏi cuộc chơi.
Mitsubishi Heavy Industries không sản xuất tuabin mà bán tuabin do các công ty khác chế tạo.
Các nhà máy điện ngoài khơi cần hàng chục nghìn bộ phận được sản xuất. Chính phủ Nhật Bản đang đặt mục tiêu đến năm 2040 sẽ mua 60% tất cả các bộ phận cần thiết trong nước.
Điều này yêu cầu các công ty bắt đầu sản xuất thiết bị cốt yếu và kết hợp cùng nhau tạo thành một chuỗi cung ứng đáng tin cậy.
Nhà máy Yokohama được điều hành bởi Keihin Product Operations của Toshiba. Nhà máy này đang sản xuất tuabin gió và tuabin phát điện thủy điện. Nếu Toshiba và GE đạt được thỏa thuận, nhà máy cũng sẽ tiến hành lắp ráp nacelle.
Toshiba đã và đang tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sau khi hãng này rút lui khỏi việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than.
GE cho thấy tiềm năng vượt trội khi nắm trong tay thị phần lớn nhất đối với các nhà máy điện gió ngoài khơi và trên đất liền.
Toshiba và GE có thể sẽ thông báo chi tiết về thỏa thuận này vào tháng tới. Hai bên cũng có thể mở rộng quan hệ đối tác sang lĩnh vực dịch vụ bảo trì thiết bị phát điện.
Các công ty đang để mắt đến thị trường châu Á. Bằng cách hợp tác với Toshiba, GE sẽ đảm bảo cho mình một cơ sở sản xuất tại Nhật Bản, quốc gia có thị trường tái tạo đang trên đà bùng nổ tăng trưởng.
GE và Toshiba cũng từng là đối tác kinh doanh nhà máy điện hạt nhân và nhà máy nhiệt điện.
Chính phủ Nhật Bản hiện đang cung cấp các khoản trợ cấp và ưu đãi thuế nhằm khuyến khích các công ty đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Nhờ kỳ vọng tăng trưởng kèm theo sự hỗ trợ của chính phủ, các trang trại điện gió ngoài khơi đang thu hút các nhà đầu tư. Công ty năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới Siemens Gamesa của Tây Ban Nha sẽ bắt đầu vận hành một nhà máy ở Đài Loan với công suất xây dựng 100 tuabin gió hàng năm vào năm tới.
Đây có thể là một bước đến gần hơn với thị trường Nhật Bản.