Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh, năm 2017, 32 điểm bán hàng phục vụ tour 0 đồng tại TP Hạ Long và TP Móng Cái chỉ nộp tổng cộng hơn 1,5 tỉ đồng tiền thuế. Đến năm 2018, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh ráo riết kiểm tra, số thu mới tăng lên hơn 11 tỉ đồng.
Mập mờ doanh thu
Số thu là vậy nhưng những người trong ngành thuế cho rằng đóng 11 tỉ đồng tiền thuế vẫn quá thấp so với doanh thu rất lớn của các điểm bán hàng phục vụ khách du lịch tour 0 đồng.
Thống kê của Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh cho thấy năm 2017, 14 điểm bán hàng chuyên phục vụ khách tour 0 đồng tại TP Hạ Long đạt doanh thu hơn 53 tỉ đồng, nộp thuế trên 1,3 tỉ đồng; trong khi 18 điểm ở Móng Cái đạt doanh thu hơn 12 tỉ đồng, nộp 258 triệu đồng. Năm 2018, 14 điểm tại Hạ Long nộp thuế hơn 10,5 tỉ đồng, với doanh thu hơn 174 tỉ đồng; trong khi 18 điểm ở Móng Cái nhích lên được 633 triệu đồng tiền đóng thuế. Trong đó, có cửa hàng chỉ nộp hơn 1 triệu đồng/tháng.
Một điểm bán hàng tour 0 đồng cho du khách Trung Quốc tại TP Hạ Long
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện nhiều công ty lữ hành tại Quảng Ninh cho rằng doanh thu của các điểm bán hàng ở Móng Cái không kém gì với các điểm bán hàng ở Hạ Long. Thậm chí nơi đây có nhiều lợi thế hơn, bởi là điểm dừng chân đầu tiên khi du khách nhập cảnh Việt Nam.
Lãnh đạo một công ty lữ hành ở TP Hạ Long phân tích: Các điểm bán hàng ở Hạ Long nộp thuế nhiều hơn so với Móng Cái vì chính quyền TP Hạ Long và các lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều biện pháp cứng rắn buộc truy thu đúng số phải nộp. Tổng cộng số thuế của 32 điểm bán hàng mà chỉ được hơn 11 tỉ đồng là còn quá thấp so với doanh thu thực tế, bởi các điểm bán hàng được coi là nguồn thu chính của các tour 0 đồng.
Số liệu từ Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho thấy mỗi năm có khoảng 400.000 khách tour 0 đồng nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Với chi phí tối thiểu 3 triệu đồng/khách/tour 3 đêm - 4 ngày, tổng số tiền du khách đã chi là hơn 1.200 tỉ đồng. Doanh thu lớn như thế nhưng nộp thuế 11 tỉ đồng là bất hợp lý! Tour 0 đồng chỉ là chiêu trò dụ khách. Để bù lại và sinh lời, những người tổ chức tour thu từ dịch vụ ăn, nghỉ, tham quan, mua sắm..., trong đó mua sắm là kiếm lợi nhuận cao nhất.
Gieo tiếng xấu cho du lịch Việt Nam
Anh Trọng Hoàng, một hướng dẫn viên các tour 0 đồng, kể: Khi "chăn khách", hướng dẫn viên người Trung Quốc thường "nổ" về khả năng chữa bách bệnh của các sản phẩm làm từ cao su. Rất nhiều khách không nề hà móc hầu bao đến vài chục triệu đồng để mua các sản phẩm làm từ cao su để về sử dụng hoặc biếu người thân, trong khi giá thực tế chỉ vài triệu đồng. Bên cạnh đó, nắm bắt được tâm lý khách du lịch Trung Quốc ưa chuộng loại trang sức vòng ngọc, các đối tượng đã lừa bán cho họ hàng dỏm hoặc chất lượng kém với giá "cắt cổ"…
"Khách mua ở các điểm bán hàng tour 0 đồng tại Hạ Long hoặc Móng Cái nhưng hàng được giao bên Trung Quốc, làm cho khách cứ nghĩ được phục vụ chu đáo, thực chất hàng được sản xuất ở nước họ. Với mẹo này, các điểm bán hàng hoạt động trong một chu trình khép kín do người Trung Quốc thực hiện nên họ trốn được đủ thứ thuế" - Trọng Hoàng tiết lộ.
"Các tour này do người Trung Quốc tổ chức nhưng khi mua hàng kém chất lượng thì chúng ta phải mang tiếng xấu. Đó là chưa kể đến việc thất thu thuế vì người Trung Quốc bán hàng của họ cho du khách Trung Quốc tại Việt Nam nhưng lại đem đồng nhân dân tệ về nước" - giám đốc một công ty nói.
Trong những lần thâm nhập các điểm bán hàng này tại Hạ Long, chúng tôi đã thu thập được một số hóa đơn thanh toán nội bộ với trị giá hàng trăm triệu đồng/đoàn khách, ghi rõ tỉ lệ ăn chia ra sao, trong khi có những điểm mỗi ngày đón hàng chục đoàn khách.
Đáng chú ý, hầu hết các điểm bán hàng cho khách Trung Quốc đều được lắp đặt hệ thống thanh toán điện tử. Tuy nhiên, trong trường hợp thanh toán bằng tiền mặt hoặc qua các hình thức khác, nhất là qua máy POS lậu, thì các cơ quan chức năng cũng đành chịu. Lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Quảng Ninh thừa nhận rằng các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc nhưng không thể kiểm soát được việc thanh toán bằng máy POS lậu để chuyển tiền về Trung Quốc.
Chỉ bán cho người nước ngoài
Gần 2 tháng qua, nhiều người dân rất ngạc nhiên trước cửa hàng bí ẩn ở số 134 Trần Quý Cáp (phường Tiến Lợi, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), luôn đóng cửa kín mít, chỉ bán hàng cho người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc. Ngày 7-3, Công an TP Phan Thiết đã kiểm tra hành chính, phát hiện nơi đây kinh doanh mặt hàng đá mỹ nghệ Trung Quốc không đăng ký. Những người làm việc tại đây đều là người Trung Quốc, từ nhân viên cho đến người quản lý, chỉ có một người Việt là phiên dịch. Đặc biệt, cửa hàng này không bán hàng cho người Việt, bán hàng thu ngoại tệ không dùng tiền Việt Nam.
V.Khánh