Cụ thể, trên fanpage hôm 8/4, Toyota Việt Nam viết: "Kính gửi Quý khách hàng. Gần đây Toyota Việt Nam nhận được một số thông tin về việc khách hàng phải mua phụ kiện kèm theo xe nếu muốn nhận xe sớm. Chúng tôi xin khẳng định:
Chúng tôi không có chủ trương này. Chính sách của Toyota Việt Nam luôn nhất quán: Khách hàng đến trước được phục vụ trước.
Chúng tôi yêu cầu tất cả các đại lý tuân thủ chính sách trên để bảo vệ quyền lợi của Khách hàng.
Nếu xảy ra hiện tượng trên, Quý Khách hàng hãy phản ánh cho Toyota Việt Nam qua đường dây nóng 18001524. Chúng tôi sẽ tiếp nhận và có biện pháp xử lý nếu phát hiện bất kỳ vi phạm nào từ Đại lý".
Thông báo của Toyota Việt Nam về việc người dùng phải mua xem "bia kèm lạc".
Thông tin sau khi đăng tải đã thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng người dùng Toyota nói riêng và cộng đồng xe nói chung. Sau 2 ngày, bài đăng này thu hút hơn 3.200 lượt tương tác và gần 1.000 lượt bình luận.
Tuy nhiên, đa số người dùng trong phần bình luận đều tỏ ra không hài lòng với công bố trên của hãng xe Nhật. "Văn này quen lắm rồi. Các ông mà làm nghiêm thì đại lý nào dám chiêu trò", tài khoản có tên Nguyễn Quốc Việt bình luận.
Một số khác đưa ra các bình luận có phần hài hước hơn: "Không kèm lạc thì chắc sẽ bán kèm đậu lướt hoặc nem chua", một tài khoản khác cho biết. "Bia kèm lạc" là cụm từ không xa lạ với những người mua xe tại Việt Nam - nói về hiện tượng người mua xe bị đại lý "ép" mua thêm phụ kiện giá cao nếu muốn nhận xe sớm.
Trong khi đó, một số người dùng khác thẳng thắn bày tỏ quan điểm cho rằng những công bố kể trên của nhà sản xuất chỉ giống một động thái xoa dịu dư luận, hơn là sẵn sàng xử lý một cách triệt để tình trạng bán xe "bia kèm lạc" hiện nay.
"Nếu quyết tâm làm, hãng chỉ cần cho người thử làm người mua, đến đại lý mua xe là phát hiện ra vấn đề, sao còn yêu cầu người mua gọi lên tổng đài để phản ánh", tài khoản Tạ Hán Toàn viết.
Trong hợp đồng mua xe, khách sẽ ký thêm một phần "phụ kiện mua thêm cho xe", hay còn gọi là "lạc".
Cũng trong phần bình luận từ bài đăng này, nhiều người đã "bóc" các chiêu của đại lý để "câu" khách mua thêm phụ kiện. Chẳng hạn, đại lý cam kết "đến trước phục vụ trước" đúng theo yêu cầu của hãng. Tuy nhiên, khi khách đặt một số mẫu xe hot hiện nay như Raize, Veloz Cross, thời gian chờ đợi theo đúng thứ tự lên đến vài tháng do "hàng về ít, nhu cầu cao". Sau đó, đại lý sẽ gợi ý về việc có một vài khách khác vừa bỏ cọc nhưng khách đó đã đồng ý lắp thêm vài chục triệu đồng phụ kiện và hỏi khách có muốn nhận xe sớm hơn không.
Thậm chí, nhiều khách hàng còn phản ánh tình trạng sale công khai yêu cầu người mua phải trả tiền chênh chứ không lắp phụ kiện.
Một số khách hàng cho biết đã gọi lên tổng đài để cung cấp bằng chứng và đang đợi phương thức xử lý của hãng.
Đầu năm 2022 được xem là giai đoạn khá "loạn giá" của thị trường ô tô Việt Nam với hàng loạt mẫu xe tăng giá, bán "bia kèm lạc". Ở thời điểm hiện tại, Toyota và Hyundai là 2 hãng có nhiều mẫu xe bị đội giá nhiều nhất, với những cái tên hot như Toyota Raize, Veloz Cross, Corolla Altis hay Hyundai Santa Fe, Tucson và Creta. Mức chênh "bia kèm lạc" không cố định, tùy thuộc vào đại lý và độ hot của xe. Chẳng hạn, các mẫu xe của Toyota thường có mức chênh khoảng 10-40 triệu đồng. Trong khi đó, các mẫu xe như Hyundai Tucson hay Santa Fe có mức chênh lên đến 70-100 triệu đồng.
Đa số người dùng tỏ ra không hài lòng với cách bán kèm phụ kiện - hoặc chênh tiền - của các đại lý. Tuy nhiên, nhiều người do nhu cầu sở hữu xe sớm, không muốn chờ đợi vẫn chấp nhận mua xe "bia kèm lạc".
Tình trạng thiếu linh kiện do gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài từ năm 2021 càng khiến cho lượng xe về ít, cũng là cơ sở để các đại lý đưa ra nhiều yêu sách với khách hàng hơn.