Ngày 29-12, Cục Thống kê TP HCM tổ chức họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội năm 2020. Ông Huỳnh Văn Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM, cho biết năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) ước tính tăng 1,39% so với năm trước. Dù thấp hơn mức tăng trưởng 7,83% của năm 2019 nhưng trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt với địa phương có thế mạnh về dịch vụ, du lịch như TP HCM, thì đây là con số khả quan.
Khu vực nông lâm thủy sản của TP HCM vẫn tăng 2,06%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 0,43%; khu vực thương mại dịch vụ tăng 2,17%... Đáng chú ý, khu vực thương mại dịch vụ có mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây, do chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hai ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng 9,8% trong tổng khu vực thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng âm gồm lưu trú và ăn uống giảm 33,94% và hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 4,37%.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết trong bối cảnh đại dịch Covid-19, UBND TP đã nỗ lực thực hiện nghiêm các nghị quyết của trung ương, Thành ủy, HĐND TP HCM chủ động thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Kết quả có một số điểm sáng nổi bật đáng ghi nhận, khi đã hoàn thành và vượt 16/20 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội. Còn 4/20 chỉ tiêu chưa đạt đều do ảnh hưởng dịch Covid-19. Cả 3 khu vực dịch vụ công nghiệp, nông nghiệp đều tăng trưởng dương so với năm ngoái. Dù chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, số thu ngân sách của TP vẫn đạt 358.000 tỉ đồng, thực hiện được 88,64% dự toán. Đây là kết quả đáng ghi nhận, đóng góp 26% vào tổng thu ngân sách quốc gia.
"Trong năm 2020, TP HCM đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ngăn đà phá sản, duy trì sản xuất bảo đảm an sinh xã hội dưới tác động của dịch. Chủ động kiến nghị Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ, kịp thời đồng bộ chính sách về thuế, tín dụng, BHXH, giúp DN chống chọi với khó khăn, khôi phục sản xuất - kinh doanh có kết quả" - bà Phan Thị Thắng nói.
Kinh tế TP HCM vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt đời sống. Ảnh: TẤN THẠNH
Đặc biệt, công tác cải cách hành chính tiếp tục được triển khai, trong đó có 10 giải pháp trọng tâm và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước. TP đã tập trung xây dựng, kiên trì đeo bám và mạnh dạn đề xuất và được trung ương chấp thuận nhiều nội dung quan trọng như về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, thành lập TP Thủ Đức; đề xuất phát triển TP HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế…
Dù vậy, kinh tế TP HCM vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ thấp hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước (chưa bằng 1/2 cả nước). Do thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, giãn thuế, giảm thuế nên tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước lần đần tiên giảm 14,2%. Chính quyền TP HCM phải cắt giảm gần 10% chi ngân sách địa phương, trong khi nhu cầu về vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm kích thích tăng trưởng là rất lớn… "Xu hướng dịch chuyển DN lớn ra khỏi TP HCM ngày càng rõ nét do sự vươn lên, cạnh tranh thu hút đầu tư của các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… Với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế TP sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi diễn biến quốc tế ngày càng phức tạp" - ông Huỳnh Văn Hùng nhận định.
Để tiếp tục tăng trưởng kinh tế trong năm 2021, sớm phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN và người dân trên địa bàn, TP HCM đã đặt ra hàng loạt giải pháp nhằm giữ vững vị thế là đầu tàu kinh tế. Theo đó, TP sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về giảm, giãn thuế; chính sách về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp… nhằm duy trì hoạt động của DN, tạo việc làm và thu nhập tối thiểu cho người lao động. Có giải pháp thu hút, chọn lọc và hấp thụ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
TP HCM cũng sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích thành lập DN mới trong lĩnh vực điện tử, công nghệ, tài chính, giáo dục, y tế; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, cải cách thủ tục thuê đất, cải cách chi phí logistics, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa DN nhà nước.
Lãnh đạo Cục Thống kê TP HCM góp ý cần có giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội. Kiểm soát chặt việc đầu cơ, tung tin đồn nâng giá bất động sản. Ở lĩnh vực du lịch, cần tăng cường xúc tiến quảng bá, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; kịp thời dự báo, phối hợp với các quốc gia đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch nhằm mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp…
Bà Phan Thị Thắng cho biết thời gian tới, TP HCM sẽ tiếp tục theo đuổi đề xuất Đề án điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM 2020-2025, tầm nhìn 2026-2030. Điều này sẽ giúp tăng thu ngân sách địa phương, tạo tiền đề cho TP HCM phát triển nhanh, bền vững. Cụ thể, tỉ lệ ngân sách TP HCM được giữ lại từ 18% (giai đoạn 2017-2020) tăng lên 24% ở giai đoạn 2021-2025 và 28% trong giai đoạn tiếp theo.