Theo tờ trình, chương trình "Chắp cánh hàng Việt" tập trung các giải pháp hỗ trợ, định hướng, giúp chuẩn hóa sản xuất ngành hàng nông sản thực phẩm tươi sống gồm: rau củ quả, trái cây, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản…
Đây là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, gắn liền với đời sống hằng ngày của người dân, giúp ổn định cung – cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, hạn chế "giải cứu".
Chỉ mua hàng có nguồn gốc, an toàn
Việc chuẩn hóa, nâng chất hàng hóa thông qua thực hiện sản xuất tốt theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, HACCP… và đầu tư cho bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc giúp đưa nông sản Việt vươn xa hơn, hướng tới xuất khẩu.
Theo đó, TP HCM và các tỉnh thành sẽ thống nhất các tiêu chí và điều kiện cung cấp hàng hóa vào thị trường TP. Cụ thể, hệ thống phân phối TP ký hợp đồng bao tiêu và chỉ tiếp nhận, tiêu thụ những sản phẩm đạt chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, có thương hiệu, bảo đảm an toàn thực phẩm. Cách làm này giúp nâng trách nhiệm của nhà sản xuất, gián tiếp hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm của TP. Người dân TP sẽ được cung cấp các sản phẩm nông sản thực phẩm có thương hiệu, có chất lượng và an toàn.
Thông qua Chương trình, TP HCM phát tín hiệu thị trường để định hướng sản xuất cho các địa phương vùng nguyên liệu, hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất – nhà phân phối và người tiêu dùng, qua đó kết nối các địa phương.
Sắp tới, các hệ thống phân phối tại TP HCM sẽ phát tín hiệu thị trường để các tình, thành sản xuất theo đúng yêu cầu và chỉ nhận tiêu thụ hàng đạt chuẩn chất lượng, có truy xuất nguồn gốc.
Các nhà phân phối sẽ thống nhất phát tín hiệu thị trường, chỉ nhận bán những hàng đạt chuẩn chất lượng, có truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, hỗ trợ, hướng dẫn cải thiện bao bì, mẫu mã đồng thời cam kết tiêu thụ, ưu tiên chọn làm hàng nhãn riêng và sẽ được TP hỗ trợ quảng bá.
Trong khi đó, các nhà sản xuất, HTX, trang trại, nông hộ được lựa chọn đăng ký tham gia chương trình, cam kết sản xuất hàng đạt chuẩn theo yêu cầu của nhà phân phối, được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ.
Bước đầu, chương trình vận động tất cả hệ thống phân phối hiện đại, tiến tới triển khai ra các chợ đầu mối cùng tham gia.
Hàng Việt phải chinh phục người tiêu dùng Việt
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết chương trình "Chắp cánh hàng Việt" nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả Đề án "Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Cuộc vận động này đã triển khai nhiều năm, bước đầu đã đánh động nhận thức và khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc của người dân trong lựa chọn, mua sắm và tiêu dùng hàng Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả mới dừng ở mức độ phong trào, vận động, kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ, mua sắm các nhóm hàng công nghệ phẩm mà chưa thực sự đi vào chiều sâu đến khâu sản xuất và mở rộng ra các nhóm hàng khác, đặc biệt là sản phẩm nông sản thực phẩm thiết yếu…
Các nhà sản xuất, HTX địa phương muốn bán hàng vào TP HCM phải căn cứ vào đặt hàng và bảo đảm chất lượng, an toàn
Từ thực tế đó, Sở Công Thương đề xuất giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện cuộc vận động, chuyển từ vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sang hướng nâng chất, đi vào chiều sâu, nâng cao trách nhiệm nhà sản xuất, xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng, tiến tới "hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam".
Cũng theo ông Hòa, việc nâng cao nhận thức và hành vi của người tiêu dùng trong ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa trong nước cần có quá trình vận động lâu dài, kiên trì. Kết quả triển khai Cuộc vận động nếu không quan tâm đến việc nâng cao chất lượng hàng hóa mà chỉ thực hiện kêu gọi, vận động đơn thuần và không có cách làm mới, không có các giải pháp căn cơ, bài bản, bảo đảm sự cải thiện mạnh mẽ trong chất lượng và đa dạng hóa chủng loại hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước để đáp ứng đầy đủ, kịp thời thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng ngày càng được nâng cao của người Việt Nam sẽ khó thành công.
TP HCM có hơn 10 triệu dân với thu nhập bình quân đầu người đứng đầu cả nước, tạo ra nhu cầu tiêu thụ hàng hóa rất lớn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa gần 500.000 tỉ đồng/năm, trong đó tiêu dùng khoảng 250.000 tỉ đồng. Thống kê sơ bộ mỗi năm Thành phố cần khoảng 660.000 tấn gạo, 85.000 tấn đường, 60.000 tấn dầu ăn, 216.000 tấn thịt heo, 130.000 tấn thịt gia cầm, 1 tỉ quả trứng gà, vịt, gần 1 triệu tấn rau củ quả các loại, 132.000 tấn thủy hải sản...
Ngoài ra, TP còn là đầu mối tập trung phân bổ nguồn hàng đi khắp nơi trên cả nước và xuất khẩu. Nếu TP có giải pháp tốt sẽ giúp định hướng, tái cơ cấu sản xuất, đồng thời phối hợp, phát huy được hiệu quả triển khai các dự án logistics, giết mổ công nghiệp, sơ chế tại nguồn, quản lý an toàn thực phẩm, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu, hướng tới xuất khẩu, đô thị thông minh...
(Trích tờ trình của Sở Công Thương về chủ trương xây dựng chương trình "Chắp cánh hàng Việt" trên địa bàn TP HCM)