Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cho hay, tính từ ngày 1-20/1/2023, trên địa bàn có 50 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 86,86 triệu USD. 20 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt gần 37,51 triệu USD.
Bên cạnh đó, còn có 139 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 54,68 triệu USD.
Trong tháng đầu năm 2023 (tính đến ngày 20/1), tổng vốn đầu tư nước ngoài, tính chung cấp mới, vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp đạt hơn 179,04 triệu USD, bằng 173,78% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2022. Trong số các dự án cấp mới, có 44 dự án cấp mới dưới hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài và 6 dự án dưới hình thức liên doanh. Singapore vẫn đứng đầu trong số quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào TP. HCM nhiều nhất với 12 dự án, giá trị vốn đầu tư gần 77 triệu USD (88,34%).
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cho biết, năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm hơn 13% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của toàn Thành phố; thu ngân sách khu vực FDI đạt 78.112 tỷ đồng, chiếm 17,07% và kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt hơn 25 tỷ USD, chiếm 61% kim ngạch xuất nhập khẩu của Thành phố.
Năm 2023, tình hình chung có thể còn tiếp tục khó khăn nên thu hút FDI của TPHCM dự kiến khó có đột biến so với năm 2022. Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, nếu thành công trong việc thu hút dự án mới của Công ty TNHH Intel Products Việt Nam với tổng vốn 3,3 tỷ USD và tình hình kinh tế - xã hội ổn định hơn, lạm phát tiếp tục được kiềm chế thì số vốn FDI thu hút được của TP. HCM ước đạt 7,4 tỷ USD.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, nếu so sánh các yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài truyền thống thì Thành phố hiện nay đang có những bất lợi trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án sản xuất quy mô lớn vì quỹ đất của Thành phố hiện rất hạn chế, chi phí đầu vào cao, lao động khó khăn… Do đó, Thành phố xác định chiến lược trong thời gian tới không chỉ dừng lại ở việc thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Thành phố mà sẽ tập trung thu hút các chuỗi cung ứng vào vùng, khu vực trong đó Thành phố là nơi đặt những phần quan trọng của chuỗi cung ứng như: Trụ sở chính, trung tâm R&D, trung tâm logistics, trung tâm đào tạo, trung tâm kết nối, hỗ trợ… và hoạt động sản xuất trực tiếp thực hiện tại các địa phương lân cận.