Ngày 20-2, Sở Du lịch TP HCM tổ chức buổi họp góp ý đề án "Xây dựng chiến lược phát triển du lịch TP đến năm 2030".
Công ty Roland Berger - một trong ba tập đoàn tư vấn chiến lược lớn và uy tín hàng đầu thế giới đã xây dựng đề án, dưới sự đặt hàng của Sở Du lịch TP. Để triển khai, đơn vị thực hiện đã tiến hành nhiều hình thức thu thập thông tin, dữ liệu như khảo sát thực địa tại sân bay, điểm tham quan du lịch và khảo sát trực tuyến; nguồn dữ liệu từ đơn vị độc lập Euromonitor; nguồn dữ liệu của công ty; góp ý từ các chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước...
Những thông tin trên được tổng hợp, đưa ra đánh giá chuyên sâu về thực trạng của ngành du lịch TP, làm nền tảng cho việc đề xuất sáng kiến, giải pháp, chương trình hành động phát triển ngành du lịch TP trong thời gian tới. Mục tiêu của đề án là phấn đấu đưa TP lọt vào nhóm 20 thành phố dẫn đầu thế giới về lượng khách du lịch quốc tế, nhóm 5 khu vực châu Á và nhóm 4 khu vực Đông Nam Á.
Kinh tế ban đêm là một trong những thế mạnh của du lịch TP HCM. Ảnh: Hoàng Triều
"Chiến lược đã xác định tầm nhìn du lịch TP đến năm 2030 trở thành đô thị du lịch sống động hàng đầu cchâu Á, nơi du khách được trải nghiệm những giá trị khác biệt của di sản văn hoá, lối sống trong một thành phố thông minh, mang đến sự hứng khởi và cảm xúc trên mỗi hành trình... Để thực hiện tầm nhìn và những mục tiêu đặt ra ở trên, 7 nhóm chiến lược nhánh đã được xây dựng với những sáng kiến và kế hoạch hành động cụ thể" – đại diện Roland Berger cho hay.
Theo nhóm nghiên cứu đề án chiến lược, hiện TP chưa có định vị về sản phẩm du lịch đặc thù và vượt trội so với các TP khác trong khu vực. Thương hiệu du lịch của TP đóng phần quan trọng trong việc thu hút và khẳng định bản sắc riêng nhưng chưa được đầu tư đúng mức. TP cần một chiến lược để phát triển toàn diện, đưa nơi này vào nhóm 20 điểm đến du lịch toàn cầu vào năm 2030, với 9 mục tiêu cần đạt được về xếp hạng toàn, xếp hạng châu Á, xếp hạng Đông Nam Á, số lượng du khách qua đêm, thời gian lưu trú, chi tiêu trung bình của khách/ngày, tỉ lệ khách quay lại…
"Ngay về ẩm thực, bên cạnh những món ăn vốn quá nổi tiếng và gắn liền với hình ảnh ẩm thực Việt Nam như bánh mì, phở; TP còn rất nhiều đồ ăn, thức uống ngon có thể làm nên thương hiệu như cà phê, hủ tíu, cơm tấm… có thể làm nên thương hiệu cho du lịch TP" – đại diện Roland Berger nói.
Góp ý cho Chiến lược phát triển du lịch TP đến năm 2030, đại diện ngành du lịch một số địa phương như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Tây Ninh, cho rằng cần bổ sung vào chiến lược giải pháp liên kết với các tỉnh lân cận, từ đó xây dựng các tour tuyến du lịch liên kết.
Theo bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP, để thu hút du khách đến sắp tới TP sẽ tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch; tăng cường phối hợp triển khai chương trình kích cầu du lịch vào TP; đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh ĐBSCL…
Chia sẻ tại hội nghị, ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch, đánh giá cao nỗ lực của TP khi xây dựng Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030. Trong chiến lược này, TP cần đưa công nghệ thông tin vào để ứng dụng phát triển ngành du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao; phải kết nối với các tỉnh lân cận như khu vực ĐBSCL để cùng nhau phát triển. Ngoài ra, TP mới có sản phẩm du lịch, sự kiện thời trang, ẩm thực nhưng các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ cho khách tầm cỡ quốc tế chưa nhiều; hay kinh tế về đêm cũng là thế mạnh TP cần khai thác…
Dự kiến, Sở Du lịch TP và đơn vị tư vấn sẽ hoàn thiện dự thảo đề án chiến lược trước khi trình UBND TP thông qua.