Đó là đề nghị của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tại buổi lễ công bố Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019 với chủ đề "Việt Nam - Kết nối vì thịnh vượng và phát triển chung" do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 17-1, ở TP HCM.
Về liên kết phát triển, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết thời gian qua, TP đã tiên phong, tìm tòi nhiều cơ chế chính sách cho phát triển, liên kết vùng, tập trung phát triển du lịch, giao thông liên vùng, đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa và kết nối xây dựng chuỗi cung ứng nông sản… Dù đã có những bước đi tiên phong nhưng xét về quy mô thì kinh tế TP vẫn còn khiêm tốn, còn khoảng cách khá xa so với những TP lớn trong khu vực.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong (đứng giữa) trao đổi với các đại biểu tham dự hội nghị
Có nhiều nguyên nhân được lãnh đạo TP chỉ ra, như sự kết nối còn lỏng lẻo, hạ tầng của TP chưa đạt chuẩn, chưa kết nối với hạ tầng khu vực, một số hành lang thương mại quan trọng và một số cửa ngõ đang ngày càng tắc nghẽn. Việc tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp nên cạnh tranh kém ngay cả trên sân nhà; dịch vụ logistics mới đáp ứng nhu cầu cấp bách trước mắt, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài...
Người đứng đầu UBND TP nhìn nhận báo cáo phát triển Việt Nam 2019 được công bố vào thời điểm quan trọng khi Việt Nam nói chung và TP nói riêng đang xây dựng chiến lược phát triển cho 10 năm tới. Các phân tích, nhận định của các chuyên gia WB sẽ được tham khảo vào việc hoạch định chính sách, quy hoạch phát triển kinh tế TP.
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Việt Nam, cho hay TP đang muốn hình thành trung tâm tài chính, trung tâm thương mại thì không chỉ đơn giản là xây một khu vực nhất định mà cần đi cùng với các hoạt động kinh tế, chuỗi giao dịch tài chính thương mại và hạ tầng cơ sở đồng bộ. Quá trình này phải được lưu ý trong lộ trình chuyển đổi số, số hóa đang phát triển mạnh. Chuyển đổi số của TP cũng phải gắn liền với các khu vực, địa phương lân cận…
Lãnh đạo TP kỳ vọng WB tại Việt Nam cùng các chuyên gia, nhà khoa học có những nghiên cứu chuyên đề giúp TP phát triển nhanh và bền vững thời gian tới. Đồng thời, khẳng định dư địa tăng trưởng kinh tế TP vẫn còn nhiều nên việc tăng trưởng trên 8,5% là hoàn toàn có thể. "Với quan điểm TP phát triển sẽ đóng góp nhiều hơn cho cả nước, chúng tôi đang kiến nghị trung ương xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP trong chiến lược phát triển quốc gia giai đoạn 2021-2030. Với vị thế là tổ chức tài chính lớn nhất thế giới, TP mong muốn WB đẩy mạnh các hoạt động kết nối nhằm tiếp tục duy trì vị thế đầu tàu kinh tế của TP hiện nay nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính quốc tế" - ông Nguyễn Thành Phong nói.
Cần sự phối hợp, thay vì cạnh tranh
Ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, cho rằng trong kết nối chuỗi giá trị cần gắn đầu tư vào hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông và thương mại bằng các chính sách đồng bộ, nhất quán. Cần tăng cường cơ chế điều phối liên ngành như trong chiến lược phát triển giao thông vận tải phải gắn với chiến lược phát triển về thương mại; chiến lược về xuất nhập khẩu phải tích hợp yếu tố kết nối, logistics, sự phối hợp liên ngành... Ngoài ra, cấu trúc liên kết không thể dựa trên sự cạnh tranh của các địa phương mà phải có sự phối hợp đồng bộ.