Ngày 10-4, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đã nghe các đơn vị báo cáo tình hình thực hiện Quyết định 60 về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa. Quyết định 60 được UBND TP ban hành vào cuối năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, thay thế Quyết định số 33 năm 2014 của UBND TP.
Không để phá quy hoạch
Quyết định 60 quy định các quận - huyện phải ban hành kế hoạch thực hiện. Tuy nhiên, theo thống kế của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, đến nay chỉ mới 8/24 quận - huyện ban hành. Bên cạnh đó, các Sở TN-MT, Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc cũng chậm ban hành các văn bản hướng dẫn để giải quyết tách thửa. Vì thế, sau 3 tháng triển khai đã có những vướng mắc ở các quận - huyện.
Cụ thể, Giám đốc Sở TN-MT TP Nguyễn Toàn Thắng cho biết một số huyện như Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể về quy chế, cơ chế phối hợp để tách thửa, căn cứ quy hoạch để xem xét tách thửa, mật độ, hạ tầng kỹ thuật… "Hiện nay, những nội dung này, sở đang tập hợp hướng dẫn nhưng có chậm, xin nhận trách nhiệm và cố gắng trong tuần này thực hiện xong" - ông Thắng nói.
Ngoài ra, nhiều quận - huyện khác cũng đang "nghẽn" khi tiến hành rà soát lại quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt để xác định công bố quy hoạch đất dân cư hiện hữu, dân cư hiện trạng, dân cư hiện hữu chỉnh trang để làm cơ sở tách thửa. Một điểm "nghẽn" nữa là rà soát quy hoạch chi tiết xây dựng, điểm dân cư nông thôn đã phê duyệt công bố để làm cơ sở tách thửa. Ông Thắng cho rằng để gỡ hai điểm vướng trên cần hướng dẫn cụ thể của Sở Quy hoạch Kiến trúc. Nếu không giải quyết mấu chốt vấn đề này thì gần như quận, huyện bị ách tắc.
Việc phân lô, tách thửa "ẩu" thực hiện được chắc chắn là có sự tiếp tay của cán bộ địa phươngẢnh: LÊ PHONG
Cũng liên quan đến câu chuyện quy hoạch để làm cơ sở tách thửa, nhiều quận - huyện băn khoăn việc phải lập quy hoạch 1/500 tất cả khu đất có chức năng. Đại diện UBND quận Gò Vấp đặt câu hỏi: Các quận nội thành việc tách thửa không còn nhiều thì có cần lập quy hoạch 1/500 không?
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã khẳng định muốn tách thửa phải bảo đảm quy hoạch và điều kiện cơ sở hạ tầng. Tách thửa mà không có đường sá thì không thể được nên mới đặt yêu cầu phải có quy hoạch 1/500. "Đây là một pháp lý hiển nhiên phải làm, chứ không thể để tách thửa rồi không có đường vào. Sở sẽ tìm cách đơn giản hóa việc lập quy hoạch 1/500, chỉ chú trọng vào hạ tầng và những chỉ tiêu cơ bản để các địa phương dễ thực hiện" - ông Nhã nhấn mạnh.
Xử nghiêm cán bộ tiếp tay
Đánh giá sau một quý triển khai Quyết định 60, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận dư luận đa số đồng tình. Quyết định này cũng quy định khá chặt chẽ các điều kiện để tách thửa song đi vào chi tiết thì cũng cần tiếp tục hướng dẫn.
Ông Tuyến lưu ý các đơn vị không được chủ quan vì mình lúc nào cũng đi sau các đối tượng tìm kẽ hở để lách luật. Đối với những vấn đề chưa rõ, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ngành liên quan trong vòng 7 ngày phải có văn bản hoặc cử cán bộ xuống hướng dẫn trực tiếp tại địa phương.
Về việc lập quy hoạch 1/500, ông Tuyến nói chất lượng quy hoạch trên địa bàn TP hiện có hạn chế. Tuy nhiên, việc tách thửa luôn phải bảo đảm thực hiện đúng theo quy hoạch. Do đó, các quận - huyện cần chủ động phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc. "Giờ không đổ thừa trách nhiệm nữa. Quyền quyết định tách thửa là chủ tịch UBND quận - huyện và chịu trách nhiệm trước UBND TP về quyết định của mình. Còn sở - ngành hướng dẫn sai thì phải chịu trách nhiệm" - ông Tuyến nói.
Nhấn mạnh lần nữa ý nghĩa của Quyết định 60 là nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân thật sự có nhu cầu về nhà ở, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo các quận - huyện phối hợp với các sở - ngành chủ động thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch và thường xuyên rà soát, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn TP.
Nhắc lại chuyện buồn từng xảy ra ở một số huyện về việc phân lô, tách thửa tràn lan, ông Tuyến nói hậu quả rất nặng nề. Đó là hình thành nên những khu nhà ổ chuột, thiếu hạ tầng và TP lại phải đứng ra giải quyết. Đây là bài học nhãn tiền mà người làm công tác quản lý phải nhìn ra.
"Không bao giờ một đầu nậu làm được nếu không có sự tiếp tay của chính người dân và cán bộ địa phương" - ông Tuyến nói và khẳng định thêm rằng không có quy định nào giải quyết được tất cả các vấn đề xã hội nếu không có thái độ trách nhiệm đúng mức, một sự hiểu biết, năng lực điều hành và trách nhiệm với dân.
"Quyết định 60 sẽ không giải quyết được hết các tồn tại trong tách thửa nếu chúng ta cứ tiếp tục thông đồng với đối tượng xấu, buông nhẹ quản lý. Cùng với việc phối hợp thực hiện chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở - ngành, các quận - huyện phải kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ tiếp tay cho đầu nậu phân lô, tách thửa ẩu, không bảo đảm hạ tầng nhằm trục lợi" - ông Tuyến chia sẻ.
Cảnh báo tăng giá đất ảo
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, thời gian qua có hiện tượng nhiều đối tượng "tiếp tay" để tăng giá đất ảo giống như một hình thức đa cấp. Do đó, ông Tuyến yêu cầu quận - huyện phải lưu ý, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nhắc nhở để người dân không bị kẻ xấu lợi dụng, đồng thời quản lý chặt chẽ, đặc biệt là bộ máy của mình. "Khi người dân muốn mua bán đất thì đều có sự liên hệ với chính quyền bằng nhiều hình thức. Nếu cán bộ nói chính xác thì không sao nhưng nếu cán bộ "có lợi ích cá nhân" ở đây thì rõ ràng tạo ra thông tin sai lệch. Người dân đổ xô đi mua làm tăng giá đất ảo, gây bức xúc xã hội" - ông Tuyến nêu.