Chiều 17-2, Sở Du lịch TP HCM đã tổ chức buổi họp lấy ý kiến của các doanh nghiệp (DN) du lịch, lữ hành, dịch vụ lưu trú về giải pháp ứng phó trước ảnh hưởng dịch Covid-19 đối với ngành du lịch.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Du lịch TP, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, lượng khách đặt phòng tại các khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước; riêng các khách sạn, cơ sở lưu trú phục vụ cho nhóm du khách nói tiếng Hoa giảm tới 70%... Khách vắng khiến hoạt động kinh doanh của DN du lịch bị ảnh hưởng nặng.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vietravel, cho biết những tour khách đã đặt trước vẫn đang khởi hành theo kế hoạch, nhưng lượng khách đặt tour mới đi trong 2-3 tháng tới gần như không có.
Khách quốc tế tham quan TP HCM. Ảnh: Tấn Thạnh
Theo một số khách sạn 4-5 sao tại TP, lượng khách đặt phòng giảm mạnh buộc khách sạn phải giảm công suất, tính chuyện cắt giảm nhân sự, lương nhân viên.
Đại diện khách sạn Park Hyatt Saigon chia sẻ sau khi Việt Nam công bố dịch, lượng khách hủy phòng bắt đầu tăng. Một số khách đang lưỡng lự có tiếp tục kế hoạch đến Việt Nam được khách sạn thuyết phục nhưng khi có thông tin một xã ở Vĩnh Phúc bị cách ly thì gần như toàn bộ số khách này cũng quyết định hủy phòng.
Để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn, nhiều DN kiến nghị nhà nước sớm có chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế thu nhập DN; giảm giá một số dịch vụ công do cơ quan nhà nước quản lý, đồng thời hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến.
Đặc biệt, các DN cho rằng một trong những điểm nhấn để thu hút du khách là cần tuyên truyền Việt Nam, trong đó có TP HCM là điểm đến an toàn, đang kiểm soát dịch tốt nhằm tạo sự yên tâm với du khách quốc tế.
Về kế hoạch tổ chức chương trình kích cầu du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước đến TP HCM ngay sau khi dịch Covid-19 kết thúc, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP, cho hay sẽ tăng cường công tác kích cầu du lịch nội địa, thu hút khách quốc tế vào Việt Nam và TP HCM.
Cụ thể, các DN du lịch từ vận chuyển (hàng không, đường sắt, đường thủy và đường bộ); các cơ sở lưu trú du lịch; cơ sở ăn uống và mua sắm; điểm tham quan; doanh nghiệp lữ hành… sẽ kết hợp đồng bộ để có chính sách khuyến mại, giảm giá mạnh hoặc ưu đãi đặc biệt cho du khách đến TP HCM.
"Các chương trình giảm giá để kích cầu với mức giảm từ 30% trở lên có thể thu hút du khách, giúp "phá băng" thị trường đang khó khăn" - bà Huỳnh Phan Phương Hoàng nhận định.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết du lịch TP HCM sẽ đẩy mạnh xúc tiến du lịch nước ngoài, tăng cường khai thác những thị trường tiềm năng như Úc, đặc biệt là Ấn Độ là thị trường lớn, có mức chi tiêu cao được kỳ vọng bù đắp phần nào thiếu hụt từ việc tạm thời đóng cửa thị trường Trung Quốc. TP cũng tiếp tục duy trì xúc tiến các thị trường trọng điểm, có kết nối đường bay thuận tiện, đang có tốc độ tăng trưởng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và ASEAN; tăng cường thu hút khách ở thị trường xa như Bắc Mỹ, khai thác mạnh thị trường Mỹ, Cananda khi sắp có đường bay thẳng giữa Việt Nam - Mỹ.